Các trường học Hà Tĩnh đổi mới phương pháp học tập, đánh giá học sinh theo Thông tư 26

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm hiện tại, các trường THCS và THPT ở Hà Tĩnh đã thực hiện đánh giá học sinh (HS) theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Qua đó phát huy tính tích cực, năng lực của HS và tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phát huy năng lực học sinh

Các trường học Hà Tĩnh đổi mới phương pháp học tập, đánh giá học sinh theo Thông tư 26

Hà Vi (ngoài cùng bên phải) đã nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh qua các giờ học và bài kiểm tra theo hình thức thuyết trình

“Không chỉ môn tiếng Anh, hầu hết các môn học ở Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cũng đã được đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo tinh thần Thông tư 26. Ngoài việc kiểm tra trên giấy, các thầy cô thường xuyên cho học sinh thực hành theo nhóm để lấy điểm.

Việc làm này khiến các em nhớ bài rất lâu và rèn luyện được ý thức làm việc tập thể. Cũng từ sự đổi mới này, học sinh được được đánh giá bằng nhiều cách, có cơ hội lấy điểm tốt hơn và thể hiện được năng lực của bản thân”, thầy Hoàng Quốc Quyết, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn cho biết.

Các trường học Hà Tĩnh đổi mới phương pháp học tập, đánh giá học sinh theo Thông tư 26

Bài kiểm tra của học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn còn được thực hiện qua các sản phẩm làm việc nhóm.

Thông tư 26 được ban hành từ tháng 8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011. Theo đó, thay cho những bài kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, 1 tiết… được thực hiện trên giấy như trước đây, việc kiểm tra, đánh giá nay được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.

Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ ở mỗi môn học được thực hiện linh hoạt phụ thuộc theo số tiết của từng môn. Được biết, các quy định mới của Thông tư 26 đã áp dụng trên toàn bộ hơn 200 trường THCS, THPT trong toàn tỉnh.

Động lực đổi mới cho giáo viên

Muốn đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá HS, trước hết, giáo viên (GV) phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Và Thông tư 26 cũng là cơ sở pháp lý để GV mạnh dạn hơn trong việc đánh giá toàn diện năng lực, phẩm chất của HS”, thầy Trần Hậu Tú - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh khẳng định.

Các trường học Hà Tĩnh đổi mới phương pháp học tập, đánh giá học sinh theo Thông tư 26

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy bằng hình thức trao đổi nhóm đang được nhiều trường học ở Hà Tĩnh thực hiện (Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường THCS Lê văn Thiêm, TP Hà Tĩnh)

Để thực hiện Thông tư 26 một cách hiệu quả trong các trường học, thời gian qua, ngoài việc tập huấn cho đội ngũ ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và GV, nhiều địa phương trên cơ sở chương trình sách giáo khoa đã xây dựng chương trình phù hợp theo hướng lược bỏ một số tiết học có nội dung trùng lặp để tổ chức dạy học theo phương pháp mới.

Cùng với đó, đội ngũ GV đã cố gắng đổi mới trong quá trình giảng dạy để kích thích sự hứng thú của HS. Theo đó, những giờ dạy tích hợp liên môn, những hoạt động ngoại khóa theo chủ đề đã được GV nghiên cứu, thảo luận, tổ chức dạy học mỗi tuần, mỗi tháng.

Các trường học Hà Tĩnh đổi mới phương pháp học tập, đánh giá học sinh theo Thông tư 26

Học đi đôi với hành đã trở thành một trong những mục tiêu đổi mới của Trường TH&THCS Thạch Hội.

Cô Phạm Thị Anh Hoa - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết: “Để phát triển phẩm chất, năng lực cho HS, mỗi tháng, chúng tôi cố gắng tổ chức một hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo chủ đề chung.

Ở đó, các em có thể giao lưu, học tập và phát triển những sở trường của mình. Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp cũng được thực hiện theo từng bộ môn với những chủ đề riêng biệt. Đó cũng là cách chúng tôi tạo điều kiện cho HS làm quen và thích ứng với phương pháp học tập, đánh giá mới”.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Gieo "hạt giống" yêu thương

Gieo "hạt giống" yêu thương

Khi gieo vào lòng trẻ thơ những “hạt giống” yêu thương sẽ góp phần hình thành nên những con người tử tế, biết sẻ chia và có trách nhiệm với cộng đồng.
Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Ngôi trường làng đẹp như tranh vẽ ở Hà Tĩnh

Trường Mầm non Thụ Lộc (xã Phù Lưu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) được xây dựng từ nguồn Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và nguồn xã hội hóa của địa phương. Ngôi trường khang trang, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Những tiết học không smartphone tại Hà Tĩnh

Nhiều trường học trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đã có những cách làm hay trong việc quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, giúp các em tập trung hơn cho việc học.