Tại sao nên cho trẻ học bơi?
Trẻ được tập bơi từ nhỏ sẽ có khả năng phát triển toàn diện nhanh hơn trẻ bình thường. Vì thế, ở các nước tiên tiến phương Tây, cha mẹ thường cho con tiếp xúc với nước và cho trẻ tập bơi từ rất sớm.
Theo hiệp hội Nhi khoa Mỹ, trẻ em khoảng 2 tháng tuổi hoàn toàn có khả năng tự chủ khi dưới nước. Trẻ có thể sải tay vận động do quá trình xoay chuyển trong bụng mẹ nên khi xuống nước trẻ sẽ biết cách làm thế nào có thể nổi lên mặt nước. Thường các cha mẹ sẽ lo lắng khi quyết định cho con tập bơi sớm, nhưng đây lại là điều tốt đối với trẻ. Khi đó trẻ sẽ được phát triển kĩ năng phản xạ tự nhiên vốn có của bé. Nếu bị bỏ quên phản xạ này, sẽ rất lâu bé mới có thể rèn luyện lại được.
Thường vào mùa hè, trẻ được bố mẹ cho đi học bơi, đi bơi rất nhiều. Khi những giờ học trên lớp đôi khi khiến trẻ không ưa hay khó chịu, thì việc vui đùa dưới làn nước mát có thể giúp trẻ thoải mái hơn. Đến các trung tâm học bơi hay hồ bơi công cộng, trẻ cũng được làm quen với nhiều người hơn, nhiều bạn hơn. Và khi vượt qua được một kiểu bơi mới, trẻ sẽ thấy vô cùng hứng thú.
Trong khi học bơi sớm, trẻ cũng đối mặt với những thử thách của chính bản thân như phải làm sao để có thể đứng vũng dưới nước, làm sao thở được hoặc bơi được… Vượt qua được những thử thách này, trẻ cũng sẽ cảm thấy những thử thách khác có thể cố gắng và sẽ vượt qua được.
Cách dạy bơi cho trẻ em hiệu quả nhất
Phụ huynh nên hướng dẫn con trẻ tuần tự theo các bước dưới đây:
1. Làm quen với nước:
Giữ trẻ dưới cánh tay của cha mẹ, cha mẹ đi vòng quanh hồ bơi, vừa đi vừa trò chuyện với trẻ sao cho trẻ cảm thấy thoải mái và thích thú để giúp trẻ cảm thấy việc đùa giỡn dưới nước thật là thú vị.
2. Hướng dẫn trẻ đập chân dưới nước:
Cho trẻ bám vào thành hồ bơi hoặc cầu thang ở hồ bơi, hướng trẻ tập đập chân đều đặn dưới nước. Cha mẹ cũng có thể giữ hai cánh tay của trẻ trong khi cho trẻ tập đập chân xung quanh hồ bơi. Nếu trẻ lớn, cha mẹ có thể trang bị cho trẻ miếng ván xốp cầm tay trong khi tập đập chân.
3. Tập cho trẻ thổi bóng dưới nước:
Cho trẻ úp mặt xuống nước, yêu cầu trẻ thở ra để tạo những quả bóng nhỏ (không hít vào). Tập dần dà cho đến khi trẻ quen và có thể giữ mặt dưới nước lâu hơn. Kèm theo cha mẹ có thể tổ chức một số trò chơi dưới nước như lấy đồ vật, tìm kho báu... để giúp trẻ quen với việc mở mắt trong nước.
4. Tập tay cho trẻ:
Cha mẹ vòng tay giữ ngang thắt lưng hay ngực trẻ để tập cho trẻ chuyển động tay. Cha mẹ có thể làm mẫu cho trẻ tập theo. Sau khi tập tay đã thành thục, phối hợp động tác tay và chân (cha mẹ vẫn hỗ trợ trẻ).
5. Cho trẻ bơi từng đoạn ngắn đến chỗ cha mẹ:
Bắt đầu từ khoảng cách gần trẻ chỉ cần nhào một cái là đến và gia tăng dần khoảng cách.
6. Hướng dẫn trẻ cách thở:
Hướng dẫn trẻ cách nâng và hạ đầu dưới nước để có thể bơi được xa hơn.
7. Hướng dẫn trẻ nhảy từ trên hồ bơi xuống nước với cha mẹ chờ sẵn để đỡ trẻ:
Gia tăng khoảng cách để trẻ phải bơi mới đến được chỗ cha mẹ.
Cha mẹ cần kiên nhẫn và tập bơi cho trẻ chậm rãi từng bước một. Ngày đầu tiên chỉ cần cho bé làm quen với nước là đủ. Ngày tiếp theo nên ôn lại bài tập hôm trước và chỉ tập bài mới khi trẻ đã thuộc bài cũ.
Ngoài ra, việc trẻ biết bơi nhanh hay chậm tùy thuộc nhiều vào cảm giác nước của từng trẻ. Điều này lý giải vì sao nhiều trẻ biết bơi thật nhanh chỉ sau một vài buổi tập và ngược lại. Đối với các trẻ sợ nước, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bằng cách tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn để thu hút sự tham gia của trẻ. Và khi trẻ thích thú với việc chơi đùa dưới nước, kỹ năng bơi lội sẽ sớm được hình thành một cách hết sức tự nhiên.