Cải tiến công nghệ xử lý nước sạch nông thôn

Trung tâm nước sạch và vệ sinh MTN Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều công trình cấp nước hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Nhờ áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật hiện đại và đồng bộ nên chất lượng nước các công trình này không thua kém gì của các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khu vực thành thị, đưa tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên 60,11%.

Lễ khởi công một công trình nước sạch nông thôn
Lễ khởi công một công trình nước sạch nông thôn

Do địa hình phức tạp nên nguồn nước của tỉnh ta mang những đặc thù riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và địa chất từng vùng. Đối với vùng đồng bằng và ven biển, nguồn nước có độ phèn, độ mặn cao, nhất là nước nhiễm phèn ở những vùng ven biển, rất khó cải tạo để đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, chất lượng nước ở vùng đồi núi được đánh giá là tốt hơn lại khan hiếm. Vào mùa nắng hạn, ở những vùng sâu, vùng xa nguồn nước bị cạn kiệt, người dân ở đây thường xuyên phải đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt mấy tháng trời.

Mặc dù đã có nhiều công trình cấp nước thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh MTNT giai đoạn I (1999- 2005) được đưa vào sử dụng có hiệu quả song vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Đấy là chưa kể nhiều công trình thiếu đầu tư dẫn đến hoạt động kém chất lượng đã làm cho nguồn nước đạt tiêu chuẩn càng trở nên khan hiếm hơn. Việc sử dụng nguồn nước kém chất lượng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh lạ làm tổn hại đến sức khoẻ của người dân như bệnh ung thư, đau mắt, tả, phụ khoa,...Do vậy, để nhân rộng các mô hình cấp nước sạch nông thôn phù hợp với mục tiêu chiến lược Quôc gia trong giai đoạn II (2006- 2010), công trình đòi hỏi cần được đầu tư hiện đại và đúng tầm, đặc biệt là cải tiến công nghệ xử lý nước.

Theo ông Nguyễn Viết Nhất, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh MTNT tỉnh: “Đối với địa phương có 80% dân số tập trung ở khu vực nông thôn như tỉnh ta thì việc đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch dùng cho sinh hoạt và sản xuất cần có hệ thống xử lý nước theo công nghệ hiện đại nhất, có công suất hoạt động lớn, nhằm tạo sự phát triển bền vững và khả năng mở rộng trong tương lai. Để tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ các con sông, chúng tôi xây dựng trạm bơm và làm hệ thống bể lọc. Nước sau khi lọc được dẫn vào bể chứa và được châm hoá chất clo bằng thiết bị khử trùng để xử lý nước trước khi cấp về cụm dân cư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công nghệ khai thác nguồn nước ngầm, nhằm khai thác hết nguồn tài nguyên quý giá này”. Dựa trên các tiêu chí ưu tiên cùng với sự đồng thuận đóng góp tài chính của người dân địa phương, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 49 công trình cấp nước tập trung đạt tiêu chuẩn với hàng chục nghìn giếng khoan tại các cụm dân cư, cung cấp trên 50l nước/ ngày cho mỗi người. Theo đó, tỷ lệ số dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch lên 60,11%, trong đó số người được sử dụng nước theo đúng tiêu chuẩn của Bộ y tế là 50%.

Cùng với quá trình hiện đại hoá, khi chất lượng cuộc sống của người dân cũng được cải thiện thì nhu cầu sử dụng nước sạch cũng tăng cao. Năm 2009, Trung tâm đã nhân rộng thêm 4 mô hình nước sạch nông thôn tại các xã Đức Lạng (Đức Thọ), Đức Nhân (Đức Thọ), Vĩnh Lộc (Can Lộc), Thạch Long (Thạch Hà) với tổng vốn đầt tư trên 31 tỷ đồng, trong đó ngân sách Quốc gia hỗ trợ là 21 tỷ, còn lại huy động từ nguồn đóng góp của người dân được hưởng lợi. Hiện nay, 2 trong 4 công trình (tại xã Đức Nhân và Đức Lạng) đã hoàn thành 50% khối lượng công việc, ước tính sẽ đi vào vận hành trong đầu năm 2010.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2010, tỉnh ta có 70% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và sản xuất, bên cạnh đẩy mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức nhân dân, Trung tâm nước sạch và vệ sinh MTNT cũng không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lựa chọn công nghệ với từng địa phương để có chất lượng nước tốt nhất, góp phần quan trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đồng thời cải thiện điều kiện sống và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast