Căng thẳng Nga - Anh, 23 nhà ngoại giao Nga rời Anh về nước

Ngày 20/3, 23 nhà ngoại giao Nga đã rời Đại sứ quán Nga tại London, Anh ra sân bay để về nước theo quyết định trục xuất của Chính phủ Anh.

Vụ trục xuất này là kết quả sau những tranh cãi ngoại giao liên quan đến vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc ngày 4/3 vừa qua tại thành phố Salisbury của Anh. Đây được xem là vụ trục xuất lớn nhất của Anh nhằm vào đoàn ngoại giao nước ngoài trong nhiều thập niên qua.

cang thang nga anh 23 nha ngoai giao nga roi anh ve nuoc

Các nhân viên ngoại giao Nga mang vác hành lý, đồ đạc đứng ngoài cổng Đại sứ quán Nga ở London. Ảnh: Reuters

Video do hãng tin RT của Nga công bố cho thấy, đoàn xe khoảng 10 chiếc chở các nhà ngoại giao rời Đại sứ quán của Nga tại London. Một máy bay của Nga cũng đã tới Anh để đưa toàn bộ các nhân viên ngoại giao bị trục xuất về nước. Máy bay cất cánh từ sân bay London Stansted vào khoảng 16h ngày 20/3, chở 30 nhà ngoại giao và gia đình họ, tổng số khoảng 80 người.

Phát biểu bên ngoài sân bay London khi tiễn 23 nhà ngoại giao Nga và gia đình họ về nước, Đại sứ Nga tại Anh, ông Alexander Yakovenko cho rằng, Nga không được phía Anh thông báo bất kỳ thông tin về vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái.

“Thật đáng tiếc là phía Anh đã hành xử như vậy đối với chúng ta. Họ đã đưa ra lời buộc tội mà không có bất kỳ bằng chứng nào. Chúng tôi cũng không có bất kỳ sự tiếp xúc với gia đình Skripal. Đây là sự vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế và các quy ước lãnh sự vì họ là những công dân Nga. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có bất kỳ thông tin nào về cuộc điều tra của phía Anh về vụ này”, ông Yakovenko nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cùng ngày cho biết, Nga lấy làm tiếc khi Anh đã chọn biện pháp đối đầu, thay vì hợp tác để điều tra vụ cựu điệp viên Skripal bị đầu độc. Ông Ryabkov cho biết, nếu nước Anh thực sự muốn giải quyết câu chuyện này thì họ phải liên lạc với Nga trên cơ sở song phương hoặc qua Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW).

Ông cũng cho biết, Nga không vi phạm Hiệp ước cấm Vũ khí Hóa học vì toàn bộ kho vũ khí hóa học của Nga đã bị phá hủy hồi năm ngoái dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. Tất cả các chương trình nghiên cứu vũ khí hóa học đã bị ngừng từ những năm 90.

Đáp lại động thái Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Nga mới đây cũng ra tuyên bố coi 23 nhân viên Đại sứ quán Anh tại Moscow là những nhân vật không được hoan nghênh, đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở St Peterburg và dừng hoạt động của Hội đồng Anh.

Liên quan đến vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal, các điều tra viên của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học đã bắt đầu giám định chất độc được sử dụng trong vụ tấn công này.

Ông Ahmet Uzumcu - Tổng giám đốc của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cho biết: “Theo yêu cầu của chính phủ Anh, Tổ chức cấm vũ khí hóa học đã cử một số chuyên gia đến Anh và họ sẽ lấy một số mẫu, sau đó những mẫu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm được chỉ định của chúng tôi. Kết quả phân tích có thể sẽ mất từ 2 đến 3 tuần”.

Hai cha con ông Skripal được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên một chiếc ghế tại một trung tâm thương mại. Hiện cả hai đang trong bệnh viện và trong tình trạng nguy kịch. Anh đã quy trách nhiệm cho Nga trong vụ việc nói trên, trong đó một chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô đã được sử dụng.

Các phân tích cho rằng, từ lâu Anh và Nga đã mất lòng tin lẫn nhau sau nhiều cáo buộc về các vụ ám sát liên quan tới điệp viên. Quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga của Thủ tướng Anh Theresa May được xem là cứng rắn và chóng vánh khi so với cách mà người tiền nhiệm của bà May đã thực hiện những vụ việc tương tự từng xảy ra trước đây.

Lý giải cho quyết định này của bà Theresa May, các chuyên gia phân tích cho rằng, Thủ tướng Anh muốn thể hiện sự cứng rắn nhằm củng cố vị thế, gia tăng ảnh hưởng trong bối cảnh bà đang nắm giữ Chính phủ thiểu số và nhận không ít chỉ trích của cả trong nước lẫn châu Âu về cách thức đàm phán việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Tuy vậy, việc gây tổn hại tới quan hệ song phương có thể sẽ khiến cho cả hai bên thiệt hại nặng nề về nhiều mặt. Trong bối cảnh như vậy, Anh có thể sẽ chọn cách đẩy mối quan hệ căng thẳng một cách có kiểm soát trong thời gian tới.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.