Vào mỗi dịp tết, nhiều hộ gia đình, thường là ở khu vực nông thôn vẫn giữ thói quen “chung, đụng” bò, bê, lợn… để giết mổ tại nhà rồi chia nhau sử dụng.
Bà P.T. V (thị trấn Phố Châu, Hương Sơn) cho biết: “Thành thông lệ, vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình trong xóm lại mua chung 1 - 2 con lợn hoặc năm nào có điều kiện, chúng tôi thường mua bò, bê về tự giết mổ. Ngoài ra, hộ nào cũng tự giết mổ 5 - 8 con gà để ăn Tết. Dù biết việc giết mổ này sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và có nguy cơ cao mất ATVSTP nhưng việc làm này đã thành thói quen của người dân khu vực nông thôn”.
Đặc điểm dễ nhận thấy khi giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà là môi trường sống dễ bị ô nhiễm do nguồn nước thải, chất thải được xả trực tiếp ra hệ thống thoát nước sau khi giết mổ. Trong khi đó, người giết mổ thiếu quan tâm đến quy định vệ sinh y tế cá nhân và các điều kiện đảm bảo như dụng cụ giết mổ, dụng cụ đựng thực phẩm… Nhiều trường hợp, thực phẩm sau giết mổ không được bảo quản tốt, không để nơi khô thoáng, không có tấm che đậy, dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
Thêm vào đó, việc tự ý giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh trên đàn vật nuôi như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục trên trâu, bò hay dịch tả lợn châu Phi, dịch lợn tai xanh…
Cứ vào mỗi dịp tết hoặc khi gia đình có tiệc lớn, cần sử dụng lượng lớn thực phẩm, gia đình ông L.V.C (xã Quang Thọ, Vũ Quang) lại tự giết mổ 1- 2 con lợn của gia đình. Ông C. cho biết: “Lợn của gia đình tự nuôi, không sử dụng các loại chất tăng trọng nên khi tết đến, gia đình tôi cùng vài người họ hàng sẽ mổ lợn chung nhau. Làm vậy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí so với mua thịt từ bên ngoài”.
Khi được hỏi về việc liệu tự giết mổ tại nhà có đảm bảo các điều kiện ATVSTP, các yếu tố dịch bệnh hay không, ông C. cho hay: “Khi giết mổ, lợn của gia đình còn sống khỏe mạnh, bằng mắt thường, thấy thịt lợn tươi ngon, mổ tại nhà được làm sạch nên tôi nghĩ thịt đảm bảo an toàn. Mấy mùa tết rồi chúng tôi đều tự giết mổ như vậy”.
Không chỉ tự giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà để sử dụng mà nhiều người còn lên các trang mạng xã hội rao bán thực phẩm. Vấn đề dịch bệnh, ATVSTP cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường khi tự ý giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà đang bị người dân xem nhẹ.
Theo nhiều người dân, khi thấy thịt gia súc, gia cầm nhà nuôi, tự làm là họ thấy yên tâm nên cũng không quan tâm sản phẩm có cần kiểm dịch hay không. Nhìn thấy thịt tươi ngon, được người bán quảng cáo mổ tại chỗ là mua.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Song, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc người dân tự giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà còn khá phổ biến, nhất là vào những ngày gần tết.
Anh Nguyễn Thế Hùng - cán bộ kiểm dịch tại HTX Dịch vụ giết mổ gia súc tập trung Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tại các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, các khâu kiểm dịch, giết mổ, vệ sinh được chúng tôi kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo ATVSTP cũng như vấn đề môi trường, dịch bệnh. Nguồn nước, hóa chất khử trùng được bổ sung liên tục để xử lý vệ sinh, mùi hôi sau khi giết mổ gia súc. Trong khi đó, việc người dân tự ý giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà thường kèm theo nhiều nguy cơ mất ATVSTP, có thể làm lây lan dịch bệnh”.
Cùng với việc phòng ngừa các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm ATVSTP, vệ sinh môi trường cho người dân, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền tới cơ sở, đến từng hộ dân để thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh thú y, nhất là với các hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà của người dân.
Ngoài ra, khi các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại một số địa phương vẫn diễn biến phức tạp, để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ việc giết mổ tại nhà, người dân nên đưa các loại gia súc, gia cầm đến những cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho bà con.