Cẩn trọng với thực phẩm handmade bán trên chợ online dịp tết

(Baohatinh.vn) - Việc mua bán thực phẩm tự làm (handmade) trên chợ online đã trở thành xu thế trong nhiều năm gần đây, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh sự tiện lợi, những mặt hàng này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cẩn trọng với thực phẩm handmade bán trên chợ online dịp tết

Đặt mua thực phẩm tết bằng hình thức online đang là xu hướng của người tiêu dùng hiện nay.

Càng gần đến tết Nguyên đán, các loại thực phẩm handmade càng được rao bán rầm rộ trên chợ online với đủ chủng loại, mẫu mã. Song, lợi dụng việc không thể xem trực tiếp, nhiều người bán hàng online đã gửi những sản phẩm kém chất lượng, mẫu mã khác xa quảng cáo đến người mua. Điều này không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Chị Lê Thu Thảo (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tết năm ngoái, thông qua bài chia sẻ của người quen trên Facebook, tôi đã chọn địa chỉ bán hàng online để mua mứt dừa, chuối sấy handmade để ăn và làm quà tặng. Thế nhưng, khi nhận hàng, các sản phẩm lại bị hao hụt gần nửa trọng lượng so với đơn đặt hàng; riêng mứt dừa có dấu hiệu quá hạn, mùi vị lạ. May mắn là tôi đã kiểm tra trước khi gửi làm quà tặng. Các sản phẩm đều do người quen giới thiệu, vì cả nể nên tôi cũng dành “ngậm ngùi” bỏ qua”.

Cẩn trọng với thực phẩm handmade bán trên chợ online dịp tết

Trên các hội, nhóm facebook, không ít sản phẩm tết được quảng cáo với những lời “có cánh”.

Thực tế, khi “dạo” một vòng trên mạng xã hội như facebook, zalo hay sàn thương mại điện tử, các sản phẩm phục vụ tết được giới thiệu rất đa dạng trong các nhóm mua bán. Trong đó, các sản vật vùng miền như thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, khô gà lá chanh, măng khô, giò bê… hay các loạt mứt tết, trái cây sấy dẻo, bánh kẹo…. được rao bán nhiều nhất.

Điểm chung của các sản phẩm được rao bán trên chợ online đều là sản phẩm handmade do người có kinh nghiệm làm nên. Theo những lời giới thiệu “có cánh” thì các sản phẩm này có 100% nguyên liệu tươi từ tự nhiên, không sử dụng chất phụ gia, không phẩm màu độc hại… Thêm vào đó, các sản phẩm được rao bán còn có giá cao hơn so với giá thị trường vì kèm thêm chữ handmade.

Vì công việc văn phòng không có nhiều thời gian đi mua sắm cho tết nên nhiều năm qua, chị Trần Minh Trang (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) thường xuyên đặt thực phẩm trên mạng. Thế nhưng, vào tết năm ngoái, khi cả gia đình 3 người bị ngộ độc thực phẩm vì ăn giò bê đặt qua mạng, chị mới “giật mình” khi nhìn lại sản phẩm mình mua không có nhãn mác, không biết nơi xuất xứ. Tất cả thông tin chị có được chỉ là qua một trang facebook.

Cẩn trọng với thực phẩm handmade bán trên chợ online dịp tết

Nhiều người tiêu dùng chọn đến các cửa hàng, siêu thị để chọn mua thực phẩm tết.

Chị Trang chia sẻ: “Từ bài học năm ngoái, tết năm nay, tôi sẽ tranh thủ thời gian để tới các cửa hàng, siêu thị mua thực phẩm tết. Các trang facebook, trang web bán hàng của các thương hiệu OCOP trong tỉnh cũng sẽ là lựa chọn mới của tôi thay vì mua hàng trôi nổi từ các nhóm trên mạng như trước”.

Thực tế, khi khách hàng mua thực phẩm online đều chủ yếu mua bằng sự tin tưởng, chọn hàng bằng cảm tính. Khi thấy sản phẩm có lượng tương tác lớn, phản hồi tích cực của người dùng hoặc nghe lời giới thiệu của người quen, bạn bè, họ quyết định “chốt đơn”. Do đó, không ít người khi nhận về sản phẩm không ưng ý đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi chất lượng chỉ được người bán cam đoan bằng… miệng.

Thêm vào đó, hình thức bán thực phẩm handmade qua mạng phần lớn không có giấy phép bán hàng, không có chứng nhận an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng không có nhãn mác, không ghi địa chỉ liên hệ cụ thể… Vì thế, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Cẩn trọng với thực phẩm handmade bán trên chợ online dịp tết

Dịp tết Nguyên đán, cần thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các mặt hàng, nhất là ngành hàng thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh khuyến cáo, để bảo đảm an toàn sức khỏe, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức trong việc mua thực phẩm online. Khi mua bán qua mạng, người mua hàng cần chọn nơi có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, địa chỉ và thông tin liên hệ cụ thể. Bên cạnh đó, cũng phải lưu tâm chọn đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp, tránh việc thất thoát trọng lượng hoặc bảo quản, vận chuyển sản phẩm sơ sài. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ nơi sản xuất, hạn sử dụng…, nếu sản phẩm đảm bảo chất lượng mới thanh toán.

Tết là thời điểm việc mua bán thực phẩm qua mạng nở rộ, vì thế, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Ngoài ra, để đảm bảo công tác kiểm soát thị trường, chúng tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng.

Ông Nguyễn Đình Khoa
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.