Sáng nay (10/3), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022. Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan tham dự hội nghị. |
Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Thời gian qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát, tuy nhiên, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Điểm cầu tại Bộ Y tế.
Năm 2021, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt về quảng cáo 28 cơ sở với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm cũng đã chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 375 đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể; chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Trên cơ sở thực trạng vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hội nghị đã thảo luận đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.
Theo đó, thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe; xử lý và đăng công khai trên các phương tiện thông tin các đơn vị vi phạm; tăng cường quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp là thực phẩm bảo vệ sức khỏe; rà soát, quản lý chặt điều kiện cho phép mở các website, tên miền hoạt động; kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo…
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh kiểm tra việc kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cấp 16 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; tiếp nhận trên 194 bản tự công bố sản phẩm của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của ngành. Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP tỉnh đã phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cung cấp thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương của các doanh nghiệp phục vụ việc cấp/gia hạn giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp; góp ý kiến nâng cấp trang thông tin điện tử quản lý bán hàng đa cấp. Tiến hành đăng tải, công bố các thông tin về các hoạt động bán hàng đa cấp trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết, cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn, các biến tướng của hoạt động bán hàng đa cấp. |
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để sớm nghiên cứu hoàn thiện về mặt thể chế. Các bộ, ngành tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Đề nghị Bộ Công thương siết chặt công tác quản lý hoạt động các sàn thương mại điện tử, hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các trường hợp sai sự thật, quảng cáo khi nội dung chưa được kiểm chứng, lừa dối người tiêu dùng. UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.