Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

(Baohatinh.vn) - Các lực lượng được giao nhiệm vụ phòng, chống cháy rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê (Hà Tĩnh) thường xuyên phân ca, tuần tra canh gác lửa rừng 24h/24h tại các chòi canh lửa và các điểm chốt vùng trọng điểm.

Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

Cán bộ, nhân viên Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng triển khai trực 100% lực lượng, 24/24h để canh lửa.

Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê) có 8 cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ gần 5.000 ha rừng (thuộc địa bàn 5 xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trà). Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng từng cán bộ, nhân viên vẫn ngày đêm băng rừng, lội suối để tuần tra, bảo vệ và đặc biệt là phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Anh Nguyễn Xuân Doãn - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng chia sẻ: “Vào mùa cao điểm hiện nay, toàn trạm triển khai 100% quân số, trực 24/24h. Đơn vị phân công khu vực tuần tra cho từng cá nhân cụ thể, sau tuần tra, trạm chia thành 2 tổ để trực tại khu vực có vị trí quan sát tốt. Những ngày này, anh em chúng tôi dựng lán, mắc võng ngủ, nghỉ trong rừng để trực cháy. Cùng với việc triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, đến nay chưa có điểm phát lửa nào”.

Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

Cán bộ, nhân viên các trạm bảo vệ rừng ở Hương Khê dựng lán ngủ, nghỉ trong rừng để trực cháy.

Không chỉ trạm Rào Rồng mà hiện nay, tất cả các trạm bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê đều duy trì chế độ trực cháy 24/24h trong mùa cao điểm nắng nóng. Lực lượng này có trách nhiệm phát hiện sớm nhất khi đám cháy rừng xuất hiện. Khi có điểm cháy quy mô nhỏ (dưới 1,0 ha), người trực báo cáo trạm trưởng để huy động lực lượng, người dân địa phương, hộ nhận khoán trên địa bàn tham gia chữa cháy. Với tình huống cháy rừng phức tạp, các trạm sẽ báo cáo Ban Quản lý để huy động lực lượng tổ chức chữa cháy.

Ông Nguyễn Thượng Hải – Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hương Khê cho biết: "Xác định bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mùa nắng nóng, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền đến tận thôn, xóm. Trong đó tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về BVR-PCCCR; thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Đặc biệt, tổ chức cho các hộ nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, người dân sống gần rừng ký cam kết BVR-PCCCR.

Với nhiệm vụ quản lý 31.276,4 ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, đơn vị cũng đã chủ động, sẵn sàng 4 tại chỗ trong PCCCR. BQL đã thành lập 10 tổ đội xung kích PCCCR với tổng số 56 người gồm cán bộ, công nhân viên, lao động và các hộ, tổ chức nhận khoán bảo vệ rừng".

Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

Năm 2023, BQL Rừng phòng hộ Hương Khê đã xử lý thực bì PCCCR, giảm vật liệu cháy trên diện tích 15 ha rừng.

“Đơn vị cũng tập trung tu sửa, làm mới 70 biển cấm lửa tại những vùng rừng gần dân, tại các điểm nóng về BVR-PCCCR; biển cấp dự báo cháy rừng. Tổ chức phát dọn 25km đường lâm nghiệp phục vụ công tác BVR-PCCCR tại các tiểu khu 211, 216, 227, 231 xã Lộc Yên, TK 239, TK 228, xã Phú Gia; chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án xử lý thực bì PCCCR, giảm vật liệu cháy 15 ha, nhằm mục đích BVR-PCCCR, giảm thiểu tình trạng cháy lan trong khu vực quản lý khi có cháy rừng xảy ra”, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hương Khê Nguyễn Thượng Hải cho biết thêm.

Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

Các lực lượng phát dọn đường lâm nghiệp phục vụ công tác BVR-PCCCR.

Theo ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, để chủ động trong PCCCR, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng, UBND huyện đã có văn bản đề nghị các chủ rừng thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR. Thường xuyên bố trí lực lượng bảo vệ rừng trực 24/24h trong suốt mùa khô; kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra vào rừng, đặc biệt là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo kịp thời, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tuyệt đối không được xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian nắng nóng, nhiệt độ trên 35oC (cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV đến cấp V); tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp không đảm bảo an toàn về PCCCR ở các khu rừng trọng điểm, có nguy cơ cháy cao.

Canh rừng trong thời điểm nắng nóng

Lãnh đạo huyện Hương Khê đi kiểm tra công tác bảo vệ, PCCCR.

"Các đơn vị, bộ phận của BQL Rừng phòng hộ Hương Khê đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, đồng thời chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng có liên quan, các đồn biên phòng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người không có trách nhiệm vào rừng, đặc biệt là các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao...

Qua kiểm tra, BQL Rừng phòng hộ Hương Khê đã phối hợp, chủ động thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng và đến nay trên địa bàn huyện chưa xuất hiện điểm phát lửa nào", Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.