Cấp tập thu hoạch lúa xuân "né" thời tiết bất lợi

(Baohatinh.vn) - Vụ lúa xuân Hà Tĩnh vào cao điểm thu hoạch cũng là dịp thời tiết có những chuyển biến xấu, đòi hỏi bà con nông dân phải dồn sức đưa lúa về nhà.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên những ngày tới, toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa và giông, cục bộ có mưa to đến rất to, tập trung vào chiều, tối và đêm. Lượng mưa dự báo đạt từ 10 - 30mm, có nơi trên 50mm. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

DJI_0319.jpg
Nông dân Hà Tĩnh tranh thủ gặt gọn các diện tích lúa bị đổ ngã do mưa gió.

Trước tình hình bất lợi của thời tiết, những ngày này, bà con nông dân huyện lúa Cẩm Xuyên đang tranh thủ khoảng thời gian nắng ráo trong ngày để nhanh chóng đưa lúa về nhà hoặc bán cho thương lái tại điểm tập kết.

Ông Phạm Tiến Toàn (thôn Trung Tiến, xã Cẩm Dương, Cẩm Xuyên) cho biết: “Trời khô ráo lúc nào là cả nhà ra đồng lúc ấy để thu hoạch gần 1 ha lúa chín rộ. May là đợt này mưa chỉ lắc rắc trong khoảng thời gian ngắn, chủ yếu về chiều và đêm nên lúa không bị ướt nhiều. Vùng này cánh đồng tập trung, liền bờ, liền thửa, chỉ cần 4 máy gặt được huy động thì trong vòng 2 ngày sẽ cơ bản xong”.

0X5A1223.jpg
Bà con nông dân xã Cẩm Dương tập trung thu hoạch lúa xuân.

Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, các địa phương có diện tích lúa xuân lớn của huyện Cẩm Xuyên như: Cẩm Dương, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng… đều thực hiện phương án linh hoạt điều chuyển máy gặt để hỗ trợ người dân gặt “gọn” diện tích trên đồng ruộng.

Anh Trần Sỹ - chủ máy gặt ở Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi gặt xong cánh đồng rộng 30 ha của xã Cẩm Dương sẽ nhanh chóng chuyển sang cánh đồng của xã khác. Anh em tranh thủ tăng thời gian chạy máy vì mưa xuống sẽ làm ướt ruộng, lúa đổ ngã, máy gặt khó hoạt động, tốn thêm chi phí nhiên liệu”.

0X5A1188.jpg
Huyện Cẩm Xuyên đã thu hoạch được hơn 4.500 ha, đạt gần hơn 45% diện tích

Theo ông Lê Văn Danh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên, trong những ngày qua, toàn huyện có đến hơn 300 máy gặt đã được phân bổ đến các xã để đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 4.500 ha, đạt gần hơn 45% diện tích. Thời vụ thu hoạch đang được các xã, thị trấn đẩy nhanh để kịp thời lấy nước sản xuất vụ hè thu.

Tại Thạch Hà, đến hết ngày 14/5, toàn huyện đã thu hoạch được trên 3.500 ha (đạt hơn 42% tổng diện tích). Các trà lúa của huyện đều đang chín đồng loạt, nếu gặp mưa, gió lớn có thể bị đổ ngã, ảnh hưởng năng suất nên áp lực về "chạy đua" tiến độ thu hoạch càng lớn hơn với bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trị thông tin: “Xã đã hoàn thành chuyển đổi, tập trung, tích tụ 100% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn (gần 140 ha) nên thời gian thu hoạch được rút ngắn rất nhiều. Trên địa bàn có 5 máy gặt của người dân nên chủ động trong bố trí lịch, phân công vùng thu hoạch nhằm hạn chế ảnh hưởng của các đợt mưa lớn”.

0X5A0362.jpg
Không khí ngày mùa tất bật đang diễn ra khắp các địa phương trong toàn tỉnh.

Cùng chung sức với bà con nông dân, các chủ máy gặt đã tăng thời gian, không nghỉ buổi trưa, thuê thêm người bốc lúa đi theo chân máy. Anh Trần Tiến Hương - chủ máy gặt tại xã Kỳ Phú (Kỳ Anh) chia sẻ: “Cứ ngớt các đợt mưa giông, anh em lại chạy máy, “ăn ngủ” cùng đồng ruộng để giúp bà con thu hoạch nhanh ngày nào hay ngày nấy”.

Ngược ngàn, không khí thu hoạch cũng bắt đầu hiện hữu khắp đồng ruộng của các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn,… Chị Nguyễn Thị Hà (thôn 7, xã Hà Linh, Hương Khê) chia sẻ: “Vùng này địa hình không bằng phẳng, máy gặt đập liên hợp khó tiếp cận nên bà con chủ yếu dùng máy gặt tay. Loại máy này tiện di chuyển, giảm được phần nào thời gian thu hoạch so với gặt bằng liềm, lưỡi hái như trước đây. Đợt này thời tiết hay chuyển mưa giông vào cuối buổi chiều nên khoảng 5h sáng tôi đã ra đồng, gặt xong chở lúa về nhà ngay để “né” những cơn giông bất chợt”.

z5438793861706_2f5ac3d96bbded6e26675a6f6d926310.jpg
Máy gặt đập liên hợp tranh thủ gặt đêm để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch tại huyện Cẩm Xuyên.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 30.000 ha lúa xuân (đạt hơn 50,7% diện tích, tăng hơn 18.000 ha so với ngày 10/5). Từ nay đến ngày 25/5, các địa phương tập trung cao nhất cho công tác thu hoạch lúa xuân. Ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục bám sát dự báo thời tiết để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, điều tiết về máy gặt hợp lý giữa các vùng. Đồng thời, người dân cũng cần chủ động khâu giữ nước, làm đất, dọn dẹp và khơi thông dòng chảy sẵn sàng bước vào sản xuất vụ hè thu.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.