Các nhà lãnh đạo Ấn Độ thường ca ngợi những thành tựu của quốc gia này, chẳng hạn khi vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Một cột mốc quan trọng khác lại vừa đến, dù giới chức nước này chưa nói nhiều về điều đó. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc công bố hôm 19/4 cho thấy Ấn Độ đã vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ấn Độ có lực lượng lao động trẻ và đang gia tăng ngay cả khi lực lượng lao động ở hầu hết nước công nghiệp hóa, bao gồm cả Trung Quốc, đang già đi và thậm chí là thu hẹp trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, quy mô dân số và sự tăng trưởng liên tục của Ấn Độ cũng đặt ra những thách thức to lớn và lại làm dấy lên một câu hỏi muôn thuở: Khi nào nước này sẽ trở thành một cường quốc sánh ngang với Trung Quốc hoặc Mỹ?
Lực cản lớn
“Những người trẻ tuổi có tiềm năng to lớn đóng góp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để họ làm được điều đó đòi hỏi đất nước phải đầu tư không chỉ vào giáo dục, mà còn cả sức khỏe, dinh dưỡng và kỹ năng để có việc làm”, Poonam Muttreja, Giám đốc điều hành Tổ chức Dân số Ấn Độ, nhận định. Bên cạnh đó, nước này cũng cần phải tạo ra nhiều việc làm hơn.
Ở Trung Quốc, dân số ngày càng già đi và thu hẹp sẽ khiến việc duy trì tăng trưởng kinh tế và đạt được giấc mơ vượt Mỹ trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, trong những thập kỷ trước, khi nước này vẫn đang đi lên, họ đã tìm ra cách để chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua sản xuất định hướng xuất khẩu.
Ấn Độ vẫn chưa thể sao chép công thức đó hoặc đưa ra một công thức của riêng mình có thể đạt nhiều lợi ích tăng dần.
Một nhà máy ở Aurangabad, Ấn Độ. Ảnh: New York Times. |
Mặc dù đã được cải thiện so với thời điểm cách đây vài thập kỷ, cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn kém Trung Quốc, từ đó cản trở đầu tư nước ngoài. Một vấn đề khác là chỉ 1/5 phụ nữ Ấn Độ tham gia lực lượng lao động chính thức, và tỷ lệ này đã giảm khi nước này thịnh vượng hơn.
Ngoài việc dập tắt nguyện vọng của hàng trăm triệu phụ nữ trẻ, việc không cho phụ nữ tham gia vào thị trường việc làm chính thức là một lực cản đối với nền kinh tế.
Nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển nhanh hơn nhiều so với dân số trong một thế hệ và tỷ lệ người Ấn Độ sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã giảm mạnh. Tuy nhiên, hầu hết người Ấn Độ vẫn nghèo theo tiêu chuẩn toàn cầu. Nạn đói đã là dĩ vãng, nhưng hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Tốc độ phát triển trên khắp đất nước rộng lớn này vẫn không đồng đều. Một số bang của Ấn Độ giống các quốc gia có thu nhập trung bình, trong khi những bang khác phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Việc phân bổ các nguồn lực đang ngày càng trở thành một vấn đề căng thẳng tại Ấn Độ.
Bài học cho Ấn Độ từ Trung Quốc
Dù vậy, trong số các nền kinh tế lớn, Ấn Độ được dự đoán là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay.
Đầu tư công tăng nhanh vẫn đang cải thiện cơ sở hạ tầng tụt hậu của đất nước. Nền văn hóa nước này cũng sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn, khi mở rộng phạm vi tiếp cận với những khán giả mới.
Ngoài ra, New York Times nhận định Ấn Độ đang có hồ sơ nhân khẩu học đáng ghen tị, khi số dân đang trong những năm làm việc hiệu quả nhất về mặt kinh tế chiếm số lượng lớn nhất.
Ấn Độ cũng đang ngày càng tìm cách tận dụng những cơ hội mới mà bối cảnh thế giới hiện nay mang lại. “Thời của Ấn Độ đã đến”, ông Modi tuyên bố gần đây. Ấn Độ có thể nhìn về nước láng giềng Trung Quốc để tìm ra bài học cho riêng mình.
Cách đây không lâu, ông Modi đã coi Trung Quốc là một quốc gia giống Ấn Độ - vốn đang cố gắng giành lại vinh quang đã mất và một vị trí công bằng hơn trong trật tự thế giới mới, với những bài học về việc theo đuổi sự thịnh vượng.
Khách hàng sử dụng mã QR để thanh toán tại một quầy bán trái cây ven đường ở Mumbai vào tháng 2. Ảnh: New York Times. |
Trên cương vị lãnh đạo nhà nước, ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhất 18 lần. Theo giới phân tích, một trong những lý do khiến nhà lãnh đạo Ấn Độ tìm đến Bắc Kinh là giải pháp cho các vấn đề do dân số khổng lồ gây ra.
Hai quốc gia chia sẻ một số điểm tương đồng lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay, nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 5 lần Ấn Độ. Trong các chỉ số phát triển con người, sự tương phản thậm chí còn rõ nét hơn, với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Ấn Độ cao hơn nhiều, tuổi thọ trung bình thấp hơn,...
Giới phân tích cho rằng sự khác biệt chủ yếu do Trung Quốc cải cách ruộng đất nghiêm túc, mở cửa nền kinh tế sớm hơn, cũng như tập trung định hướng tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của người đi trước và sau đó gia tăng sự thống trị khi không ngừng theo đuổi các kế hoạch của mình.
Các nhà kinh tế cho rằng để trở nên giàu có như Trung Quốc, Ấn Độ cần phải chuyển đổi triệt để mô hình phát triển của mình hoặc vạch ra một con đường mà trước đây chưa nước nào từng thử.
Ấn Độ đã tìm thấy thành công ở lĩnh vực dịch vụ có giá trị cao. Chẳng hạn, các công ty như dịch vụ tư vấn Tata đã trở thành những công ty hàng đầu thế giới.
Dẫu vậy, sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ chỉ có thể tiến xa khi Ấn Độ đạt được lời hứa về lợi tức nhân khẩu học, hoặc giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng thất nghiệp. Hàng trăm triệu người không thể tìm được việc làm hoặc thiếu việc làm và được trả lương quá thấp.
Theo New York Times, những bài học mà ông Modi học được từ Trung Quốc thể hiện rõ nhất trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư mạnh vào đường cao tốc, đường sắt và sân bay để cải thiện chuỗi cung ứng và sự kết nối.