Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Nhiều quốc gia châu Á đang chạy đua với thời gian phát triển vaccine COVID-19 nội địa trong bối cảnh nguồn cung thế giới vẫn khan hiếm và đại dịch còn kéo dài với sự xuất hiện của các biến thể virus.

Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Các nhà sư đo huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP

Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Iran, Đài Loan/Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang chú trọng đầu tư cho các ứng cử viên vaccine được phát triển nội địa nhằm tìm kiếm một nguồn cung cấp ổn định trên đường dài đối phó với đại dịch.

Mặc dù các loại vaccine nội địa khó có thể được triển khai kịp thời để cứu vãn tình trạng sản xuất vaccine chậm chạp, nhưng các nhà chức trách và giới chuyên gia coi cách tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn và cần thiết.

Nhiều chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài vô thời hạn, trở thành một bệnh đặc hữu. Điều đó có nghĩa là sự xuất hiện của các biến thể có khả năng kháng các loại vaccine hiện có và nhu cầu tiêm vaccine nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch sẽ thúc đẩy nhu cầu vaccine trong nhiều năm tới. Khi nguồn cung thua xa nhu cầu trong nước, các quốc gia đã chú trọng phát triển vaccine nội địa để có thể tận dụng các lợi thế sản xuất, cung ứng trong nước, thậm chí mở ra cơ hội cho ngoại giao vaccine.

Iran hy vọng đánh bại COVID-19 bằng vaccine trong nước

Iran nằm trong số những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch ở thời kỳ đầu năm 2020. Nước này hiện đang đối phó với làn sóng dịch thứ năm, với sự thống trị của biến thể Delta. Số liệu chính thức cho thấy, Iran đã ghi nhận trên 5,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 110.000 người đã tử vong kể từ đại dịch bắt đầu, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Các nhà khoa học cho biết Iran là một trong số ít quốc gia Trung Đông có năng lực phát triển vaccine. Và họ đã làm điều đó một cách nghiêm túc: khoảng 10 loại vaccine COVID-19 đang được Iran phát triển, và một loại có tên COVIran Bakerat đã được đưa vào chương trình tiêm chủng bên cạnh các loại vaccine nhập khẩu khác, mặc dù ít người biết về những loại vaccine này ở bên ngoài Iran.

Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại iran. Ảnh: Anadolu

COVIran Bakerat được phát triển bởi tập đoàn công nghiệp Shifa Pharmed thuộc sở hữu nhà nước. Đây là vaccine bất hoạt và vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 6. Vaccine này được phê duyệt trên cơ sở các mức kháng thể mà nó tạo ra, bao gồm cả những kháng thể có thể vô hiệu hóa SARS-CoV-2 hoặc ngăn chặn virus xâm nhập tế bào. Trong các thử nghiệm ban đầu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 93% những người được tiêm chủng tạo ra kháng thể trung hòa.

Các nhà khoa học Iran đánh giá khả năng bảo vệ của COVIran sẽ tương tự như của các loại vaccine bất hoạt khác, chẳng hạn như CoronaVac của Sinovac/Trung Quốc.

Đài Loan/Trung Quốc triển khai vaccine nội địa

Đài Loan đã phát triển vaccine COVID-19 “cây nhà lá vườn” để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng khi vùng lãnh thổ này gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn cung từ các công ty dược phẩm lớn.

Vaccine COVID-19 sản xuất nội địa bởi công ty Medigen Vaccine Biologics đã được đưa vào chương trình tiêm chủng từ ngày 23/8, với việc nhà lãnh đạo Thái Anh Văn được tiêm mũi đầu tiên.

Một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi về việc phê duyệt vaccine của Medigen khi vaccine này được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau khi mới hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai ở Đài Loan. Tuy nhiên Giám đốc điều hành Medigen Vaccine Biologics cho biết, vaccine Medigen (dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp) có hiệu quả “tương tự hoặc thậm chí tốt hơn” so với vaccine AstraZeneca.

Hàn Quốc nhắm Top 5 nhà sản xuất vaccine toàn cầu

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết cung cấp mọi hỗ trợ có thể để phát triển vaccine COVID-19 nội địa, với việc đưa ra gói đầu tư 2,2 ngàn tỉ won (2,6 tỉ USD) nhằm trợ lực các nhà sản xuất dược trong nước.

Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Người dân chờ tiêm vaccine COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

“Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện bước nhảy vọt để trở thành một trong 5 nhà sản xuất vaccine hàng đầu toàn cầu vào năm 2025”, ông Moon phát biểu trong tháng 8, bổ sung rằng vaccine sẽ trở thành một trong ba công nghệ chiến lược quốc gia của Hàn Quốc, bên cạnh vật liệu bán dẫn và pin.

Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc - quốc gia có khả năng sản xuất dược phẩm sinh học lớn nhất thế giới và đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 5,1 tỷ USD vào năm ngoái - có đủ khả năng để trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu.

Nhật Bản phát triển vaccine mRNA

Tại Nhật Bản, ít nhất 4 công ty dược phẩm đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 hoặc 2 với một số ứng cử viên vaccine, nhưng việc phê duyệt dự kiến còn mất nhiều tháng nữa.

Mặc dù nổi tiếng toàn cầu với tư cách là nước đi đầu trong lĩnh vực dược phẩm, Nhật Bản lại tụt hậu trong phát triển vaccine nội địa do các thủ tục quá chặt chẽ. Một quyết định của tòa án năm 1992 quy định chính phủ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị các tác dụng phụ bất lợi do vaccine, khiến Tokyo phải thắt chặt quy định phê duyệt đến mức không thể cho phép các công ty nhanh chóng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển vaccine.

Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Daiichi-Sankyo theo đuổi vaccine mRNA phòng COVID-19 và cũng đang sản xuất vaccine AstraZeneca tại Nhật Bản. Ảnh: Japantimes

Hiện nay, vaccine COVID-19 công nghệ mRNA của công ty Daiichi Sankyo đang ở giai đoạn kết thúc các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Nhà sản xuất đặt mục tiêu đưa vaccine này trở thành loại dùng cho mũi tiêm nhắc lại kể từ năm 2022.

Ấn Độ tung vaccine DNA đầu tiên trên thế giới

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine COVID-19 nội địa đầu tiên của nước này vào ngày 1/3, ông nói: "Điều ấn tượng là cách các bác sĩ và nhà khoa học của chúng ta đã làm việc trong thời gian nhanh chóng để tăng cường cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn cầu”.

Ba tháng trước đó, vaccine Covaxin, do công ty Bharat Biotech International phát triển bằng công nghệ bất hoạt, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp - ngay cả trước khi giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên người chứng minh mức độ hiệu quả của nó.

Gần đây, trong tháng 8, Ấn Độ đã thông qua sử dụng khẩn cấp vaccine DNA đầu tiên của thế giới. Vaccine này có tên ZyCoV-D do công ty Zydus Cadila sản xuất. ZyCoV-D không cần kim tiêm và được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người trưởng thành cũng như trẻ em trên 12 tuổi.

Châu Á trông cậy vào vaccine COVID-19 nội địa để chống dịch đường dài

Vaccine ZyCoV-D công nghệ DNA của Ấn Độ. Ảnh: Nature

Điều đặc biệt là ZyCoV-D không cần dùng đến kim tiêm. Vaccine được đưa vào cơ thể bằng cách sử dụng một thiết bị áp suất cao để đẩy dòng chất lỏng nhỏ xuyên qua bề mặt da, ít gây đau hơn so với tiêm. Phương pháp không cần kim tiêm này có thể giảm lo lắng, khuyến khích thêm nhiều người, đặc biệt là trẻ em, đến tiêm vaccine. Ấn Độ đã lên kế hoạch sản xuất 50 triệu liều ZyCoV-D vào đầu năm tới.

Thái Lan trông đợi vaccine nội địa cho mũi tiêm nhắc lại

Kể từ tháng 4, Thái Lan đã bị cuốn vào một làn sóng lây nhiễm COVID-19 theo hình xoắn ốc, hiện nay khoảng 20.000 ca nhiễm mới/ngày. Hoạt động tiêm chủng của Thái Lan hiện phụ thuộc vào vaccine từ nước ngoài như Sinovac, AstraZeneca, Sinopharm và Pfizer.

Để giảm sự phụ thuộc vào vaccine nhập khẩu và tăng cường nguồn cung cho quốc gia, các nhà khoa học Thái Lan đã phát triển tới 6 loại vaccine trong nước. Mặc dù chưa có ứng cử viên nào được cấp phép sử dụng, nhưng các nhà phát triển hy vọng vaccine nội địa sẽ đóng vai trò là mũi tiêm nhắc lại trong tương lai gần. Cho đến nay, các nhà khoa học đã báo cáo kết quả thuận lợi cho hai ứng cử viên, bao gồm vaccine ChulaCov-19 theo công nghệ mRNA và NDV-HXP-S sử dụng virus bất hoạt.

Indonesia tăng cường nguồn cung về lâu dài

Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của Indonesia đã cho phép Đại học Airlangga và PT Biotis phát triển vaccine COVID-19 Merah Putih trong nước. Merah Putih là vaccine bất hoạt, có thể được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào nửa đầu năm sau.

Các chuyên gia y tế hoan nghênh sự phát triển này vì nó có thể giúp tăng cường nguồn cung cấp vaccine cho Indonesia về lâu dài.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.