Gần Tết, thợ lắp đèn trang trí tất bật cả ngày cũng không hết việc
Hầu hết gia đình ở thành phố Hà Tĩnh đều coi việc lắp đèn nháy, đèn led để trang trí trước hiên nhà, cây cảnh là không thể thiếu trong dịp tết. Nếu như trước đây, người dân tự mua đèn về trang trí đơn giản, thì những năm gần đây, hình thành những tốp thợ chuyên nghiệp với những kiểu lắp đèn kỳ công, đẹp mắt.
Ông Nguyễn Văn Đức - một thợ lắp bóng đèn trang trí cho biết: “Tốp thợ của tôi có 8 người phải chia làm 4 nhóm mới nhận hết khách. Trước đây, người dân chỉ trang trí đơn giản thì nay có rất nhiều kiểu trang trí như mái mưa, kết chữ, chạy đèn led, treo đèn lồng... trên cây xanh, bao quanh tường rào, cổng chào. Theo đó, giá tiền cũng thay đổi tùy vào diện tích, chiều dài, cách thức và loại đèn trang trí. Nếu khách hàng tự chuẩn bị đèn thì công trang trí một cây xanh, hàng rào trước cửa nhà dao động ở mức 300 – 500 nghìn đồng; còn nếu khoán sản phẩm cho thợ thì sẽ được tính theo mét, số lượng sợi và loại đèn trang trí với mức từ 150 – 200 nghìn đồng/m”.
Nhu cầu trang trí nhà cửa của người dân dịp tết tăng cao với nhiều kiểu đèn kỳ công, đẹp mắt
Vì công việc nhiều, thợ lắp đèn phải làm tranh thủ cả giờ nghỉ trưa và làm cho đến tối muộn nhưng vẫn phải từ chối khá nhiều khách hàng. Gọi người trang trí từ hai ngày trước nhưng anh Phan Mạnh Hà (phường Thạch Linh – TP Hà Tĩnh) vẫn tìm không ra thợ.
“Gọi không được nên tôi đành tự trang trí. Mình không có đồ nghề, kỹ thuật như thợ chuyên nghiệp nên “sản phẩm’ không được ưng ý lắm nhưng sát Tết rồi họ không nhận làm nữa.” – anh Hà chia sẻ.
Ngoài đèn nháy, đèn lồng cũng được nhiều người lựa chọn để làm đẹp không gian trong những ngày tết
Bên cạnh nhu cầu của các hộ gia đình, cơ quan công sở thì nhiều tổ dân phố cũng trang trí tuyến đường thêm phần rực rỡ đón tết. Tại một số khu đô thị mới như Sông Đà, Nguyễn Du… dễ dàng bắt gặp nhiều đoạn đường được giăng mắc những dãy đèn lung linh sắc màu.
Nhiều tuyến đường ở khu dân cư được khoác "áo mới" lung linh sắc màu
Bác Lê Văn Việt (khu đô thị Sông Đà) cho biết: “Sau khi họp bàn, các hộ trong tổ thống nhất lắp đèn trang trí cho cả khu. Tính ra mỗi hộ đóng góp khoảng gần 1 triệu đồng. Sau khi chúng tôi làm, các khu bên cạnh cũng làm rất đẹp. Đây là khu đô thị mới, mọi người chuyển về sống chưa lâu nên chúng tôi muốn có sự gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua những sinh hoạt chung như thế này, đặc biệt dịp Tết”.
Tuy thu nhập khá nhưng công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro, người thợ phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công
Để có được những “tác phẩm nghệ thuật” ánh sáng đẹp mắt, người thợ cũng đòi hỏi phải có mắt thẩm mỹ và kiến thức về điện. Đặc biệt, xác định tính chất công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nên họ thường nhắc nhở nhau hết sức cẩn thận trong quá trình làm việc.
Ông Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, ngày thường làm nghề sửa chữa điện dân dụng, Tết thì gọi thêm thợ lập thành một nhóm để làm công việc thời vụ này. Vì công việc tiếp xúc trực tiếp với hệ thống điện, lại phải leo trèo nhiều nên tôi luôn nhắc nhở thợ phải hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình và những người xung quanh. Năm hết Tết đến rồi, đẹp nhà, đẹp phố nhưng phải an toàn thì niềm vui mới trọn vẹn được.