Chim trời được bày bán công khai từ chợ truyền thống đến... “chợ online”!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã quyết liệt ra quân xử lý vấn nạn săn bắt chim tự nhiên nhưng việc buôn bán các loại cò, cói, vạc… vẫn diễn ra công khai từ chợ truyền thống đến chợ online.

Cảnh buôn bán chim trời tấp nập tại chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh). Ảnh chụp vào sáng ngày 8/10/2020.

Tại chợ Vườn Ươm (TP Hà Tĩnh), không khó để bắt gặp hình ảnh các loại chim trời đã làm sạch, thui lông được bày bán khá nhiều, ít thì từ 5 - 7 con, nhiều là 20 - 30 con, cá biệt có người “chào” hàng lượng lớn từ 50 - 60 con.

Qua lời giới thiệu của chị N.T.V. (Hộ Độ, Lộc Hà), giá cho mỗi cặp cò, cặp cói trung bình khoảng 45 - 50 nghìn đồng, còn vạc thì đắt hơn nhiều lần vì khó “lùng” được hàng.

Chị N.T.V. đon đả mời chào khách: “Chim này được đánh bẫy ở ngoài đồng cả đấy, về kho khế, nấu chua ngọt đều ngon, đặc sản không phải mùa nào cũng có”.

Khách hàng có thể dễ dàng tìm mua các loại chim về chế biến. Ảnh chụp vào sáng ngày 8/10/2020 tại chợ Vườn Ươm.

Những người bán hàng cho biết, các loại cò, cói, vạc... được người dân săn, bắt ở các vùng bãi ngang ven biển ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân hoặc lấy từ tỉnh Nghệ An, Quảng Bình... sau đó tiểu thương “quen mối” nhập về làm sạch rồi mang ra bán tại chợ.

Các loại chim này đều được quảng cáo là hàng “sạch”, tự nhiên và qua tìm hiểu, khách muốn mua số lượng nhiều cũng được, chỉ cần điện thoại sớm để còn đặt hàng trước.

Một điểm buôn bán chim trời tại chợ TP Hà Tĩnh được ghi lại vào ngày 9/10.

Dịp này, Chị N.H. (Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) - tiểu thương tại chợ TP Hà Tĩnh cũng tranh thủ bán các loại chim tự nhiên để kiếm thêm thu nhập. Được biết, gia đình chị H. có 3 người chuyên đi đặt bẫy cói, vạc, cò… trên đồng nên thường xuyên có hàng, không chỉ bán ở đây mà còn cung cấp cho các quán ăn, quán nhậu.

Là người nhiều năm trong “nghề”, đối với bà V. (thị trấn Xuân An, Nghi Xuân) đây là kế sinh nhai trong lúc nông nhàn. Theo bà V., trung bình, mỗi ngày bán được từ 70 - 100 con, hàng bình dân đến đặc sản đều có, giá từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng.

Vốn là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, thậm chí được xem là món ăn đặc sản nên chim trời rất được các khách hàng ưa chuộng và tìm mua khá nhiều tại chợ dân sinh.

Anh N.T. N. (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) - khách mua hàng bày tỏ: “Chim như cò, cói thì từ độ tháng 8 đến đầu tháng 9 âm mới dễ tìm mua, thịt dày và béo nên trở thành món ngon hấp dẫn”.

Chim trời cũng được rao bán trên mạng xã hội và không khó để liên hệ đặt mua.

Không chỉ tại chợ truyền thống, chim tự nhiên còn được rao bán công khai trên chợ mạng online và chỉ cần vài cú “click” chuột là có thể dễ dàng liên hệ đặt hàng.

Theo thông tin từ chị H. – chủ tài khoản trên Facebook, hàng được làm sạch, chất lượng chim đảm bảo tươi ngon, chắc thịt, mỗi cặp giá trung bình từ 60 - 70 nghìn đồng, có nhận ship đơn tận nhà.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trương Quốc Long cho hay: Thời gian qua, các ngành chức năng tại Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt nhưng tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên vẫn còn tồn tại do hiện nay, các loài chim như cò, cói… thuộc nhóm động vật hoang dã thông thường nên chưa có chế tài xử lý (xử phạt hành chính, xử lý hình sự) để răn đe.

Các cơ quan chức năng thực hiện tịch thu, tiêu huỷ dụng cụ hành nghề, thả chim về tự nhiên; tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không mua bán, tiêu thụ... chứ chưa có chế tài xử phạt cụ thể.

Khi phát hiện vi phạm cũng chỉ thực hiện tịch thu, tiêu huỷ dụng cụ hành nghề, thả chim về tự nhiên; tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không mua bán, tiêu thụ với người dân và các nhà hàng, quán ăn. Trong khi đó, người dân vẫn xem việc săn bắt chim trời như một kế sinh nhai, tìm đủ cách để săn được hàng rồi đem ra chợ bán.

Hơn nữa, trên thị trường, chim tự nhiên còn có thể được nhập về từ các tỉnh khác như: Nghệ An, Quảng Bình…, khi xác định nguồn gốc hay phân loại động vật cũng có nhiều khó khăn vì gần như chim đã được làm sạch lông trước khi đem ra chợ.

Các ngành liên quan đang nghiên cứu, xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nhằm có hướng giải quyết và xử lý triệt để vấn nạn săn bắt, buôn bán chim tự nhiên.

Nạn “tận diệt” tại nhiều vùng ven biển như Thịnh Lộc (Lộc Hà), Xuân Liên, Cổ Đạm (Nghi Xuân),... nhiều năm qua đã khiến cho số lượng chim tự nhiên bị suy giảm nhanh chóng tại Hà Tĩnh.

Trước khi có những chế tài xử phạt cụ thể hơn thì cứ đến mùa chim tìm về đất liền tránh bão, người làm nghề đặt bẫy, tiểu thương lại được dịp “trời cho”, buôn bán cũng trở bên “đắt” hàng. Ngoài sự vào cuộc xử lý của ngành chức năng, việc hạn chế tình trạng tận diệt chim trời còn phụ thuộc ở ý thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xung quanh.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói