Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đâọ các sở, ban, ngành.
Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh |
Trong phiên làm việc buổi sáng, hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày tóm tắt báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh kinh tế - xã hội năm 2015.
Theo đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn dân, nước ta đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp; các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới. Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai và đạt nhiều kết quả; chính sách phát triển thủy sản, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia được chú trọng.
Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu cải thiện đáng kể. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước.
Kết quả thu NSNN đạt khá cao, nhất là thu nội địa; lũy kế đến ngày 15/12, ước đạt 884,755 nghìn tỷ đồng, bằng 97,1% dự toán và bằng 95,4% số đã báo cáo Quốc hội. Tổng chi NSNN ước đạt 1.064,51 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% dự toán.
Việc Formosa Hà Tĩnh cho ra lò sản phẩm thép cuộn cán nóng đầu tiên ở Việt Nam đánh dấu bước phát triển mới của nền công nghiệp nặng |
Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 9,29%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,36%, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn quốc ước đạt gần 50,5 triệu tấn; khu vực dịch vụ đạt 6,04%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,44 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014 (chưa tính lượng dầu khai thác và tiêu thụ tại nước ngoài); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD; nhập siêu khoảng 3,17 tỷ USD, bằng khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tiếp đó, hội nghị nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó có 9 nhóm giải pháp chủ yếu.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Dưới sự gợi ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đại diện nhiều địa phương đã tập trung thảo luận, đánh giá ưu, nhược điểm, nguyên nhân công tác thực hiện nội dung Nghị quyết 01/NQ-CP/2015 của CP; đánh giá các chỉ tiêu, góp ý, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2016…
Dự kiến, hội nghị diễn ra đến hết buổi sáng 29/12.
Theo dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%... |