Chính sách hỗ trợ ngư dân kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch

(Baohatinh.vn) - Tiếp tục chương trình giám sát về thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố cá chết bất thường, chiều 24/6, Đoàn công tác UBMTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dẫn đầu có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

>> Đảng, Nhà nước chia sẻ khó khăn, luôn tạo điều kiện để nhân dân ổn định sản xuất

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn tiếp, làm việc với đoàn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng: Sau khi sự cố xảy ra, Hà Tĩnh đã chủ động, tập trung quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là thực hiện chính sách cứu trợ, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân. Các chính sách hỗ trợ đều đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch, thống nhất nguồn cứu trợ với UBMTTQ.

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137 km; có 34 xã ven biển và 12 xã ven cửa sông; có hơn 16.000 hộ có lao động gắn với hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá với khoảng 80.000 nhân khẩu. Bên cạnh đó, còn rất nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong các ngành nghề liên quan đến biển như sản xuất muối; sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hải sản; kinh doanh dịch vụ hải sản, du lịch biển và các lĩnh vực khác…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo kết quả hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường

Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương trong vùng ảnh hưởng đã ban hành và triển khai ngay các chính sách hỗ trợ. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ 1.505,418 tấn gạo cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn (5 triệu đồng/cửa hàng); hỗ trợ tiền cho 3.852/4681 chủ tàu thuyền đã phê duyệt với số tiền 17 tỷ 718 triệu đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy Sản Bộ NN&PTNT: Bộ NN&PTNT đã lấy ý kiến của 4 tỉnh bị ảnh hưởng và sắp tới sẽ có chính sách hỗ trợ dài hơi hơn, trong đó có chính sách hỗ trợ đóng tàu, giúp nhân dân tổ chức lại sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển

Về cấp phát nguồn cứu trợ, tỉnh đã cấp phát quà cho 10.328 hộ gia đình với số tiền 9 tỷ 450 triệu đồng; cấp phát 30 tấn gạo hỗ trợ cho các hộ dân; sử dụng 6,05 tỷ từ nguồn quỹ cứu trợ mua gạo hỗ trợ cho nhân dân theo Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh, bù đắp nguồn nhân sách Nhà nước nhằm đảm bảo chính sách Nhà nước thực hiện không bị trùng lặp.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền, gạo, quà cho các hộ bị ảnh hưởng với tổng giá trị hơn 2 tỷ 799 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách Việt Nam: Do ảnh hưởng sự cố cá chết bất thường, tỷ lệ hộ tái nghèo và tái cận nghèo sẽ tăng. Vì vậy, Hà Tĩnh cần rà soát và phân nhóm đối tượng và đề xuất hỗ trợ. Ngân hàng chính sách sẽ đáp ứng nguồn cho vay cho các nhóm đối tượng này

Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ, tỉnh tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất. Từ giữa tháng 5 đến nay, số lượng tàu cá ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản đã tăng dần, dao động từ 54 đến 67%. Về nuôi trồng thủy hải sản, đến nay đã tiến hành thả nuôi 1.487 ha. Toàn tỉnh cũng đã có 1313 hộ dân với 2.600 lao động tham gia sản xuất muối…

Tỉnh đã đầu tư xây dựng trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động của tỉnh đặt tại Trung tâm quan trắc môi trường - Sở Tài nguyên và môi trường và đã chính thức đi vào hoạt động, thực hiện theo dõi, giám sát trực tuyến 24/24 giờ việc xả nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh với 6 thông số (pH, nhiệt độ, COD, chất rắn lơ lửng, tổng Nitơ và lưu lượng nước thải); xây dựng Trung tâm quan trắc môi trường của Khu kinh tế Vũng Áng tại phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh); chỉ đạo thực hiện giám sát các chỉ số môi trường đối với các cơ sở có nguồn thải lớn…

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh: Nhà nước nên tập trung các chính sách căn cơ, lâu dài cho khôi phục sản xuất, giúp nhân dân tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa sản xuất kinh tế vừa giữ chủ quyền biển đảo. Việc ổn định đời sống nhân dân trước mắt nên giao cho MTTQ và các tổ chức đoàn thể

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên, liên tục lấy mẫu quan trắc môi trường, kiểm nghiệm thực phẩm và thực hiện coogn bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng và khuyến cáo tới tận người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, qua kiểm tra, giám sát của đoàn tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã cho thấy, các chính sách của Nhà nước đã được tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đưa đến người dân rất kịp thời, đúng đối tượng, minh bạch, tạo niềm tin trong nhân dân rất lớn.

Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đánh giá cao tính chủ động và kịp thời của cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh, nhất là trong việc đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân qua các gói hỗ trợ của địa phương và các nội dung từ Quyết định 722 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị tỉnh chỉnh báo cáo đầy đủ, đặc biệt là về các nhóm giải pháp khắc phục sự cố cần phải cụ thể, chi tiết hơn, đáp ứng được yêu cầu ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời tiếp tục sâu sát, nắm bắt rõ đời sống của người dân, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên nhân dân cùng khắc phục sự cố, từng bước ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói