Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Những sự kiện có tính bước ngoặt của lịch sử cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, tháng 12/1920.

Trở lại lịch sử đất nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - lúc này, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến. Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã đẩy Nhân dân Việt Nam vào con đường bần cùng hóa. Chính sách đó đã tạo ra 2 mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Để giải quyết hai mâu thuẫn này, nhiều phong trào yêu nước, nhiều cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng dân tộc đã nổ ra, nhưng đều thất bại. Lúc này, tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước là nhu cầu nóng bỏng nhất của dân tộc.

Ý muốn đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc là ý muốn của những người Việt Nam yêu nước lúc bấy giờ. Nhưng vượt lên những hạn chế của lịch sử, thời cuộc, Nguyễn Tất Thành xuất hiện, lựa chọn một con đường mới - hướng sang phương Tây, nơi có khoa học kỹ thuật phát triển, nơi có nhiều luồng tư tưởng tiến bộ, văn minh. Hành trang mà Nguyễn Tất Thành mang theo là tinh thần yêu nước, thương dân, là bản lĩnh, là chí lớn và khát vọng khám phá.

Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chủ Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2 - 1951 (Ảnh tư liệu)

Gần 20 năm sống, làm việc, học hỏi, nghiên cứu ở các nước tư bản phát triển nhất, mùa xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc từ trời Tây trở về, thay mặt Quốc tế Cộng sản lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước quyết định chính trị của đất nước cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước hàng thập kỷ, là cơ sở dẫn đến những thắng lợi oanh liệt và những bước nhảy vọt lớn trong lịch sử dân tộc những năm tháng tiếp theo.

Hơn 10 năm sau - ngày 28/1/1941, sau một thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người đã trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Con người với nhiều danh tính ấy đã có một cuộc hành trình dài 35 năm, xuất phát từ khúc ruột miền Trung, vượt qua 4 châu lục để trở về với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về nước là bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Sự có mặt trực tiếp của lãnh tụ - người sáng lập Đảng đã nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của cả dân tộc và báo hiệu cao trào cách mạng sẽ đi tới thắng lợi.

Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị cán bộ nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh (1/6/1957, ảnh tư liệu)

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã nổ ra và thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng giành độc lập chưa lâu, cả dân tộc lại bước vào một cuộc kháng chiến mới trường kỳ, gian khổ, dù vậy với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng lực lượng về mọi mặt, mở Chiến dịch Đông - Xuân 53 - 54. Thắng lợi của chiến dịch này đã tạo thế tiến công cho chiến dịch Điện Biên Phủ thành công.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, chúng ta lại phải đối đầu với một đế quốc sừng sỏ, siêu cường của chủ nghĩa thực dân mới, muốn độc chiếm miền Nam Việt Nam, biến miền đất này thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Với tầm nhìn chiến lược, đánh giá đúng thực lực của ta, của đối phương, nắm vững xu thế của thời đại, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Với khẩu hiệu vừa là chân lý, vừa là động lực, vừa là mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân từng bước giành thắng lợi trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” làm bàn đạp để tiếp tục tiến công trong “Chiến tranh cục bộ” mà đỉnh cao là Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968.

Thắng lợi này đã tạo điều kiện mở ra mặt trận tiến công về ngoại giao và cục diện vừa đánh, vừa đàm, kết hợp chặt chẽ 3 mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Có thể khẳng định, thắng lợi tết Mậu Thân 1968 là yếu tố tiên quyết đưa đến thắng lợi mùa xuân 1975.

Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh tại TP Hà Tĩnh

Thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam đã biến lời tiên đoán sáng suốt và điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sự thật “Cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” (2). Thắng lợi đó đã kết thúc 30 năm chiến tranh, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà, mở ra bước ngoặt vĩ đại, thiết lập quyền làm chủ của Nhân dân trên toàn bộ đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.

Từ khi thành lập Đảng (1930) đến nay, 9 thập niên đã qua đi, thế kỷ XX cũng đi vào lịch sử. Nhưng sự ra đời và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã minh chứng cho con đường mà Bác đã lựa chọn cho dân tộc này là đúng đắn, bởi nó vừa đáp ứng được nhu cầu nội tại của dân tộc, vừa nằm trong xu thế vận động của thời đại. Có được những quyết sách đúng đắn, phù hợp với lòng người, với đất trời, với sự vận động của thời cuộc… là bởi hàm chứa trong con người Hồ Chí Minh một khát vọng cao cả, khát vọng đó là đạo đức, hợp lý, hợp quy luật, được xây dựng trên nền tảng của truyền thống dân tộc, tri thức khoa học về sự vận động của lịch sử, của tự nhiên, của xã hội, của tư duy.

Hồ Chí Minh và những mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam

Cùng với cả nước, suốt nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện tốt lời di huấn của Người, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh: Nguyễn Thanh Hải)

Lịch sử ghi nhận những sự kiện tưởng chừng như ngẫu nhiên để rồi đưa tới những kết quả hợp logic. Thời gian trôi đi nhưng những mốc son của lịch sử cách mạng đã khắc ghi vào lòng dân, vào lịch sử cách mạng như là kết quả tất yếu của sự phát triển biện chứng giữa một vĩ nhân, một người anh hùng, một nhà văn hóa với một tổ chức, một dân tộc vĩ đại.

Cả hai đều nhờ có nhau, nương tựa vào nhau và cùng nhau tạo dựng khuôn mẫu, dung mạo của lịch sử dân tộc ở thời đại mới này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast