Chống khai thác IUU, ngư dân chấp nhận ‘đội’ chi phí lắp VMS

(Baohatinh.vn) - Ngư dân Hà Tĩnh chủ động lắp đặt, sử dụng hai thiết bị VMS trên tàu cá để bảo đảm tín hiệu không bị gián đoạn trong quá trình vươn khơi, góp phần phòng chống khai thác IUU.

Để chuẩn bị cho chuyến khai thác xa bờ, ngư dân Trần Mạnh Phương - chủ tàu HT-90470-TS (phường Hải Ninh) kiểm tra lại hoạt động của hai thiết bị giám sát hành trình (VMS) gắn trên tàu.

Trước đây, tàu chỉ sử dụng một thiết bị, nhưng do nhiều lần tín hiệu bị gián đoạn trong quá trình đánh bắt, anh Phương đã quyết định đầu tư thêm một bộ thiết bị mới để hoạt động song song. Anh Phương chia sẻ: “Nếu một cái bị rớt mạng, cái còn lại vẫn phát tín hiệu ổn định. Chi phí mua sắm và thuê bao có tăng lên nhưng đổi lại tôi yên tâm hơn khi đánh bắt ở vùng khơi”.

Nhiều ngư dân Hà Tĩnh đã lắp đặt 2 thiết bị VMS trên tàu cá.

Tương tự, anh Dương Văn Cương - chủ tàu HT-90403-TS (xã Cẩm Trung) cũng chi hơn 20 triệu đồng để lắp thêm một VMS. Anh Cương cho biết: “Thiết bị VMS cũ đã lắp đặt được hơn 5 năm, thường xuyên mất kết nối, khiến mỗi chuyến biển đều tiềm ẩn rủi ro. Khi tín hiệu bị mất quá lâu, theo quy định, tàu cá có thể bị nghi ngờ vượt ranh giới vùng biển và phải giải trình với lực lượng chức năng. Lắp thêm thiết bị mới giúp tín hiệu ổn định hơn hẳn, đỡ phải lo việc tín hiệu gián đoạn”.

Không chỉ riêng anh Phương hay anh Cương, thời gian qua, nhiều ngư dân Hà Tĩnh đã chủ động lắp cùng lúc hai VMS trên mỗi tàu cá. Theo đánh giá của ngư dân, giải pháp này làm tăng chi phí đầu tư và thuê bao định kỳ, nhưng đổi lại giúp họ yên tâm hơn khi bám biển dài ngày, hạn chế rủi ro mất kết nối, đồng thời tránh tình huống bị hiểu nhầm là vi phạm vùng biển nước ngoài.

2 thiết bị VMS được lắp đặt ở các vị trí khác nhau để tăng cường khả năng bắt sóng trong điều kiện khai thác xa bờ.

Hà Tĩnh hiện có 3.938 tàu cá, trong đó, 70 tàu có chiều dài từ 15m trở lên - nhóm bắt buộc phải trang bị và duy trì VMS theo Luật Thủy sản 2017. Thiết bị VMS đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan chức năng giám sát vị trí tàu cá theo thời gian thực, phát cảnh báo khi tàu có nguy cơ vượt ranh giới vùng biển cho phép, đồng thời hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp khi gặp sự cố trên biển. Đây cũng là một trong những yêu cầu then chốt nhằm đáp ứng các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), hướng tới mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn liên tục từ các ngành chức năng, đến nay, hầu hết ngư dân Hà Tĩnh đã nhận thức rõ vai trò của VMS đối với an toàn và pháp lý trong hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng VMS mất kết nối trong quá trình khai thác. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Ở vùng biển xa, tín hiệu vệ tinh dễ suy yếu hoặc gián đoạn do thời tiết xấu, mây dày, sóng lớn. Ngoài ra, nhiều VMS lắp đặt từ 4 - 6 năm trước đã xuống cấp, làm giảm khả năng bắt tín hiệu. Nguồn điện trên tàu cá không ổn định khi động cơ hoạt động cũng khiến thiết bị bị tắt hoặc truyền dữ liệu không chính xác. Những sự cố này không chỉ gây khó khăn cho ngư dân khi phải quay về bờ để giải trình, mà còn làm giảm hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng trong công tác giám sát và phòng chống khai thác IUU.

Tất cả thông tin, lịch trình khai thác của tàu cá được nắm bắt qua hệ thống VMS, truyền tín hiệu về cơ quan quản lý của tỉnh, trung ương.

Trước tình hình đó, nhiều chủ tàu ở Hà Tĩnh đã chủ động đầu tư lắp đặt song song hai thiết bị VMS. Cách làm này tạo ra cơ chế dự phòng, khi một thiết bị bị lỗi hoặc mất sóng thì cái còn lại vẫn duy trì kết nối, đảm bảo dữ liệu truyền về hệ thống liên tục và chính xác. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 20/70 tàu cá lắp đặt cùng lúc hai thiết bị VMS.

Ông Nguyễn Trọng Nhật - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh (Sở NN&MT) cho biết: “Việc ngư dân chủ động lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá là tín hiệu tích cực, thể hiện nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Đây là giải pháp thiết thực hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác giám sát, theo dõi hành trình tàu cá, phát hiện sớm các nguy cơ vượt ranh giới và phối hợp cứu hộ khi cần thiết. Đồng thời, việc này góp phần quan trọng trong nỗ lực chung của tỉnh và cả nước ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng tới mục tiêu sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam".

Công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU được Hà Tĩnh quan tâm thực hiện.

"Bộ NN&MT cũng đã có văn bản đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét, ban hành thêm chính sách hỗ trợ ngư dân thay thế VMS đối với các tàu cá đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản” - ông Nhật cho biết thêm.

Tuy nhiên, việc lắp đặt hai thiết bị đồng nghĩa với việc ngư dân phải gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ. Mỗi thiết bị VMS mới có giá từ 15 - 25 triệu đồng, kèm theo phí thuê bao hằng tháng. Vì vậy, nhiều ngư dân Hà Tĩnh mong muốn cơ quan quản lý sớm hoàn thiện, triển khai chính sách hỗ trợ một phần kinh phí, nâng cấp chất lượng dịch vụ để đảm bảo tín hiệu ổn định, giảm thiểu tình trạng gián đoạn.

Ngoài ra, việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn bảo dưỡng định kỳ cũng cần được triển khai rộng rãi để giúp ngư dân chủ động khắc phục các sự cố. Doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng vệ tinh, tăng cường độ phủ sóng ở những ngư trường xa, cải tiến công nghệ để VMS hoạt động ổn định hơn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hạn chế rủi ro cho bà con ngư dân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói