Chủ động phòng chống bệnh dịch hạch

(Baohatinh.vn) - Thời gian gần đây, bệnh dịch hạch đã xuất hiện trở lại ở một số nước trên thế giới; tại Trung Quốc, đã có 1 ca tử vong. Nguy cơ xuất hiện dịch hạch tại Việt Nam rất cao. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh.

- Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay, dịch hạch đang quay trở lại. Ông có thể nói rõ hơn về bệnh dịch này?

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn biến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Đường lây bệnh dịch hạch. Ảnh: Ppdictionary.com.

Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể: hạch, nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và màng não, tuy nhiên, thường gặp là thể hạch. Bệnh dịch hạch được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Người mắc bệnh dịch hạch có biểu hiện ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó, toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 tháng qua, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% dịch hạch thể phổi), trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trước đó, cơ quan đầu mối IHR (điều lệ y tế quốc tế) của Mỹ thông báo ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh tại bang Colorado và Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cũng đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc.

- Ông có dự báo gì về nguy cơ bệnh dịch hạch tại Hà Tĩnh và hệ thống y tế dự phòng đã triển khai các hoạt động phòng chống như thế nào?

Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn nên nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng luôn tiềm ẩn.

Để phòng chống bệnh dịch hạch, Trung tâm YTDP Hà Tĩnh đã có công văn đề nghị trưởng phòng y tế, giám đốc trung tâm YTDP các huyện, thị xã, thành phố triển khai các hoạt động: tăng cường giám sát dịch hạch trên động vật hoang dã, tập trung giám sát vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, bọ chét) tại cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà hợp lý; quản lý thực phẩm; nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang ổ, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới, kiểm tra, giám sát chặt chẽ y tế đối với người, phương tiện vận chuyển hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng đang có bệnh dịch hạch.

Đối với người dân, khi phát hiện chuột chết bất thường, cần báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất. Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh dịch hạch như sốt, nổi hạch... phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói