Hà Tĩnh có 10.000 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích cam các loại chiếm tới 7.000 ha. Mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm qua, cây cam trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh.
Nhiều vườn cam ở Hà Tĩnh có tỷ lệ nở hoa thấp.
Trong vụ mùa này, tại các “thủ phủ” trồng cam có tiếng ở Hà Tĩnh như Thượng Lộc (Can Lộc), Đức Lĩnh (Vũ Quang) hay Hương Khê, Hương Sơn…, xảy ra tình trạng cam trổ hoa chậm, tỷ lệ trổ hoa thấp, chỉ đạt khoảng 70% so với các năm trước. Thậm chí tại nhiều nhà vườn, hợp tác xã, tỷ lệ cam nở hoa chỉ từ 30 – 50%.
Theo chu kỳ, từ 15/1 - 15/3 là thời gian ra hoa của cam nhưng tới nay đã đầu tháng 3 mà tỷ lệ cam ra hoa vẫn thấp gây sự lo lắng cho người dân.
Chủ tịch Hội nông dân Hà Tĩnh Bùi Nhân Sâm cho hay: Ngay khi nhận được thông tin, đơn vị đã phối hợp với hội nông dân các địa phương kiểm tra ở các vùng trồng cam trọng điểm. Qua đó ghi nhận tình trạng cam ra hoa chậm, tỷ lệ đạt thấp.
“Trước thực trạng này, Hội nông dân tỉnh đã trao đổi với ngành nông nghiệp để sớm tìm ra nguyên nhân và giải pháp giúp đỡ bà con nông dân”, ông Bùi Nhân Sâm nói.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyên Trí Hà: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cam chậm trổ hoa và tỷ lệ thấp hơn so với mọi năm
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà thông tin: Về cơ bản, khung thời gian để cây cam ra hoa là từ 15/1 – 15/3 (ngoại trừ giống cam v2 chín muộn nên có thời gian nở hoa muộn hơn). Tuy nhiên, tới nay đã là đầu tháng 3 mà diện tích cam trong độ tuổi cho thu hoạch nở hoa chưa nhiều.
Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn tới cam chậm trổ hoa và tỷ lệ thấp hơn so với mọi năm. Cụ thể, năm nay là năm nhuận theo âm lịch; trong năm 2019 có thời gian nắng nóng kéo dài, gây khô hạn cho cam hay việc người dân sử dụng các biện pháp để kéo dài thời gian thu hoạch đúng với dịp Tết Nguyên đán.
“Thường thì vào cuối tháng 11 âm lịch, cam sẽ cho thu hoạch nhưng để bán được giá cao hơn, người trồng dùng các biện pháp nhằm kéo dài thời gian thu hoạch tới Tết Nguyên đán. Việc này ít nhiều ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cây cam, trong đó có việc ra hoa, đậu quả”, ông Nguyễn Trí Hà nói.
Sau khi ra lộc một thời gian, cây cam mới trổ hoa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng kỹ thuật chăm sóc cây cam của người dân bộc lộ nhiều hạn chế khi đang chỉ quan tâm tới diện tích, sản lượng trước mắt thay vì áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cây cam cho năng suất bền vững.
Trưởng phòng Trồng trọt Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Phan Văn Huân giải thích thêm: Trong mấy năm gần đây, cam được mùa, cho sản lượng cao nhưng cũng làm “sức khoẻ” của cây yếu đi. Để khắc phục điều này, phụ thuộc rất nhiều vào việc chăm sóc của người dân, nhất là việc bổ sung phân chuồng và các nguyên tố vi lượng (sắt, mangan, kẽm, đồng…), tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều chủ vườn chưa thực sự chú trọng vào vấn đề này.
Hiện nay, các nhà vườn trồng cam ở Hà Tĩnh chưa thực sự chú trọng tới các biện pháp kỹ thuật để cây cam cho năng suất bền vững.
“Sau mỗi vụ thu hoạch, chủ vườn phải đầu tư lại 30% doanh thu với diện tích đang cho thu hoạch nhưng rất ít người làm được điều đó, dẫn tới năng suất của cây cam hiện nay vẫn còn hạn chế”, ông Phan Văn Huân nhận định.
Theo Trưởng phòng Trồng trọt Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, trong trồng và chăm sóc cây cam, yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng. Các trang trại, HTX hay nhà vườn có diện tích trồng cam lớn nên tính tới việc thuê cán bộ kỹ thuật. “Một nhà vườn thuê 1 cán bộ kỹ thuật thì có thể “quá sức” nhưng nếu 2 – 3 vườn cùng hợp đồng thuê 1 người thì nằm trong khả năng cho phép”, ông Phan Văn Huân nói.
Ngành chức năng khuyến cáo rằng bà con nông dân không nên quá lo lắng mà tiếp tục các biện pháp chăm sóc cây cam như bón phân, tưới nước, cắt tỉa cành, tủ gốc, theo dõi và phòng trừ sâu bệnh để sau đợt mưa vừa qua, cam cho ra hoa, tỷ lệ đậu quả cao.