Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cùng với vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thuận lợi trong việc kết nối, trung chuyển hàng hoá... là những tiềm năng, lợi thế để đầu tư và phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh.

Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 350.000 DWT.

Hạ tầng giao thông, khu kinh tế, cụm công nghiệp phát triển

Hà Tĩnh nằm ở vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, là điểm trung chuyển hàng hóa ngắn nhất sang Lào, Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối với đường hàng hải quốc tế. Từ Vũng Áng đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo chỉ 190 km và đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) 170km.

Đặc biệt, Hà Tĩnh có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu. Theo đó, cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương có lợi thế độ sâu tự nhiên lớn, từ -11m đến - 22m, hàng năm độ sa bồi ít nên có thể tiếp nhận được các tàu có trọng tải lớn đến 350.000 DWT. Cụm cảng này có luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) rất thuận lợi trong việc kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế.

Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, cùng với đầu tư hạ tầng để phát huy tiềm năng lợi thế về giao thông đường bộ, đường biển, những năm qua, Hà Tĩnh đã, đang tập trung đẩy mạnh thu hút, phát triển KKT Vũng Áng và các cụm công nghiệp, các vùng sản xuất tập trung. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để thu hút, phát triển logitisc.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp (CCN). Ngoài KKT Vũng Áng đóng vai trò động lực thu hút đầu tư với nhiều dự án công nghiệp nặng, chế biến, chế tạo, các CCN được phân bố đều trên khắp huyện, thị cũng đang tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp nhẹ.

Đến nay, trong số 23 CCN đã có 18 CCN đi vào hoạt động với 188 dự án, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.

Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh tại CCN Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) có năng lực sản xuất 9,9 triệu sản phẩm/năm.

Sự phát triển các CCN góp phần khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống; thu hút nhiều dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tạo ra nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Và đây cũng là nguồn hàng quan trọng để các doanh nghiệp đầu tư logistics hướng đến.

“Nhà máy sản xuất gỗ ván ép MDF - HDF của chúng tôi có công suất sản xuất gỗ ván ép 120.000 m3/ngày, gỗ ván thanh công suất 2.400 m3/ngày. Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu và đi các tỉnh phía Nam thông qua đường bộ hoặc cảng Cửa Lò, Hải Phòng. Vừa qua, sau khi Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt đưa vào hoạt động tuyến cotainer tại cảng Vũng Áng, chúng tôi đã thí điểm xuất hàng qua đường này. Qua những chuyến đầu cho thấy việc xuất hàng qua cảng Vũng Áng thuận lợi hơn, giảm được chi phí, thời gian xuất hàng nhanh hơn”, ông Trần Quang Luận – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho hay.

Theo ông Luận, điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là có một đơn vị chuyên nghiệp làm logistics, đảm bảo từ khâu hạ tầng kho bãi đến làm các thủ tục xuất nhập cảng, hải quan…

Được biết, Hà Tĩnh hiện chưa có doanh nghiệp nào làm dịch vụ logistics trọn gói nên các doanh nghiệp vẫn phải tự làm và xuất hàng qua nhiều đường khác nhau.

Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

Các sản phẩm của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt đã thí điểm xuất hàng qua cảng Vũng Áng.

Nguồn hàng phong phú

Theo số liệu khảo sát của Sở Công thương, lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics chủ yếu được sản xuất tại các KKT, khu, CCN với các nhóm hàng chủ lực như: thép, may mặc, sợi, chè, ván gỗ..

Trong năm 2021, tổng lượng hàng hóa sản xuất trên địa bàn có nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics khoảng 5.000 container. Trong đó, nhóm hàng may mặc, dệt may, sợi 450 container; nhóm gỗ 4.200 container; nhóm nông sản (chè, thủy sản) 150 container và nhóm bao bì khoảng 120 container.

Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

Chè công nghiệp - một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Hà Tĩnh

Cùng với nhóm sản xuất nội tỉnh, lượng hàng hoá trung chuyển qua Hà Tĩnh cũng khá lớn. Qua khảo sát, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2021 dự kiến khoảng 3.576 container. Hiện tại, phần nhiều số này đang vận chuyển về cảng Hải Phòng, Cửa Lò.

Hằng năm, Hà Tĩnh còn tiếp nhận một số lượng khá lớn hàng trung chuyển qua địa bàn đó là hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu như: Cầu Treo, Cha Lo, cảng Vũng Áng. Năm 2020, có hơn 300 doanh nghiệp hoạt động XNK qua 3 cửa khẩu này. Các mặt hàng chủ yếu như: quặng sắt, thạch cao, tinh bột sắn, sắn lát, sắn tươi, ka li, gỗ, hoa quả, vật liệu xây dựng... với khoảng 6,5 triệu tấn.

Cơ hội rộng mở cho đầu tư, phát triển dịch vụ logistics ở Hà Tĩnh

Bốc xếp trung chuyển hàng quặng từ Lào qua cảng Vũng Áng

Để thu hút nhà đầu tư vào đầu tư dịch vụ logistics, ngày 8/4/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Cùng với đó là xây dựng quy hoạch hệ thống cảng cạn logistics tại KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và huyện Đức Thọ.

Với những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đường biển, đường bộ thuận lợi, nguồn hàng đa dạng, Hà Tĩnh sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khai thác dịch vụ logistics.

Logistics là một ngành dịch vụ mới, tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Tại Việt Nam, Điều 233 Luật Thương mại định nghĩa: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.