Nguyễn Văn H. phụ giúp cán bộ y tế tại Trại giam Xuân Hà.
Chiều tháng 4/2010, Nguyễn Văn H., Lê Văn V. và các bạn học cũ Trường THPT Cẩm Xuyên lên hồ Kẻ Gỗ dã ngoại. Cả bọn mang theo hoa quả, kẹo bánh và cả “thức uống có cồn” để tâm sự, hàn huyên. Câu chuyện về những kỷ niệm thời đi học, công việc hiện tại và dự định tương lai đang hồi xôm tụ thì V. va chạm và nảy sinh mâu thuẫn với một nhóm thanh niên có mặt tại đây. Hai bên xảy ra xô xát, V. xông vào đuổi đánh một người trong số họ. Thấy thế, H. chạy đến “xem xét sự tình”. Vừa lúc, người bị V. đuổi đánh chạy qua. Thuận chân, H. tung một cú đá khiến nạn nhân ngã xuống đất. Chớp lấy cơ hội, V. vung tay đập chiếc cốc thủy tinh vào đầu nạn nhân. Cú đánh trúng chỗ hiểm, dù cả bọn nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Với hành vi phạm tội rõ ràng, các tình tiết nghiêm trọng, V. bị tuyên án 16 năm tù giam, H. 13 năm tù giam.
Ngày xét xử mãi mãi là ký ức không thể phai mờ trong tâm trí H. Phiên tòa lưu động năm ấy, với ánh mắt vừa xót thương, vừa căm phẫn của hàng trăm người thân quen luôn hiện về trong từng giấc ngủ. Suốt phiên tòa, H. chỉ ý thức và ý niệm được về những giọt nước mắt đau đớn, tủi nhục của bố mẹ mình, ánh mắt u uất của bố mẹ bị hại và cảm nhận chuỗi ngày dài đen tối đang đến.
H. tâm sự: “Sau một thời gian cải tạo, học tập tại đây, phần nào em đã lấy lại được thăng bằng. Chứ những ngày đầu, em không thể ăn, ngủ được vì day dứt, dày vò và ân hận. Công sinh thành, dưỡng dục và những mong mỏi của bố mẹ mới chớm kết trái đã bị em tự tay phá bỏ. Mạng sống của X. (nạn nhân) bị em tước đi khiến gia đình X. mang nỗi mất mát, đau thương không gì bù đắp được. Giá như em bình tĩnh hơn, giá như không có phút nông nỗi trong buổi chiều định mệnh thì giờ đây, nhiều gia đình đã khác”.
Vào Trại giam Xuân Hà, với những kiến thức y tế có được cộng với tinh thần cải tạo tốt, H. được Ban Giám thị bố trí giúp việc tại trạm y tế của đơn vị. Sự “ưu ái” này là động lực lớn để H. an tâm cải tạo, cố gắng sớm hoàn lương. H. cho biết: “Được giúp việc cho các cán bộ trong lĩnh vực y tế giúp em trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm. Em cũng có nhiều thời gian, cơ hội tiếp xúc với sách vở, dụng cụ y tế để tiếp tục “học nghề”. Mong rằng, khi ra trại, em tìm được việc làm thích hợp để tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội”.
Nói về việc làm sau ngày ra trại, H. tâm sự: “Mất mát của bố mẹ X. là không thể bù đắp. Em chỉ mong ngày hoàn lương, đến thắp cho X. nén hương và cầu mong sự tha thứ của 2 bác. Nếu được chấp nhận, em xin được phụng dưỡng, coi bố mẹ X. như bố mẹ mình để xoa dịu bớt nỗi đau. Có như thế, em mới an lòng, thanh thản trên con đường trở lại làm người. Em mất 3 năm học nghề để có được một công việc, một chỗ đứng trong xã hội. Thế nhưng, chỉ một “bước lầm”, em sẽ phải mất đến 13 năm mới có thể quay về điểm xuất phát. Mong rằng, câu chuyện của em là bài học cho những ai đang đặt những bước chân đầu tiên vào đời”.