Tôi không thể quên khuôn mặt thất thần của người cha cô bé hôm đó. Có gì đau khổ hơn khi nhận hung tin về con mình, về người thân của mình phải ra đi một cách bất ngờ và tức tưởi như thế. Đàn ông khi đau quá họ không khóc được các bạn ạ. Anh ấy gần như điên dại. Hãy tra Google dòng tít này đi "Cha đòi tự tử sau khi thấy thi thể con gái sau vụ TNGT"!
Mỗi một ngày, có hơn 30 nỗi đau như thế! Mỗi năm, có cả "sư đoàn gia đình" chung nỗi đau như hàng xóm nhà tôi. Mà nguyên nhân, có thể chỉ từ một chiếc xe rác do ai đó "hồn nhiên" vô tâm vứt bừa ra đường, có thể từ một viên đá chặn xe bị "bỏ quên", chỉ từ một cái hố không được rào chắn cẩn thận, vì một sợi dây điện bên đường, vì anh tài xế xe bus tối qua bị vợ mắng, hoặc vì sự ngu dốt và độc ác khi ai đó quăng ra đường vài chiếc đinh như một sinh kế cho khó nghèo.
Hôm kia, ở Sơn La có vụ cắm đinh vào tấm xốp để bẫy ô tô. Hôm qua, ở TPHCM một thanh niên 24 tuổi đâm trúng một cục bê tông ai đó "bỏ quên" hoặc làm rơi trên cầu vượt Thủ Đức, và chiếc xe tải từ phía sau trờ tới...
Dẫu hồn nhiên vô tâm hay chủ ý độc ác, thì đó chính là hành vi tạo ra nguy cơ nguy hiểm cho người khác, trong đó có đồng bào mình, hàng xóm mình, họ hàng mình, người thân mình, con cái mình, và chính mình.
Trong những câu chuyện đạo lý thời @, có chuyện rất thấm về cục đá rơi bên đường và ông già mà các bạn hoàn toàn có thể tra Google để dạy con cái, để suy ngẫm cho chính bản thân mình.
Thưa các bạn, tai nạn, tai họa, cái chết và nỗi đau chỉ có thể giảm thiểu nếu câu chuyện "ông già và cục đá" trở thành giáo dục, trở thành lương tâm. Chỉ có thể giảm thiểu nếu cơ quan chức năng chủ động ngăn chặn thay "vuốt đuôi mèo" bằng một tờ văn bản đề nghị kiểm tra sau khi đã xảy ra hậu quả. Chỉ có thể chấm dứt khi chính chúng ta là người thò tay nhặt viên đá trên đường, thay vì thả bên xác nạn nhân một tờ tiền lẻ.