Cuộc khủng hoảng thứ ba của ngành ôtô

Sau đại dịch và thiếu chip toàn cầu, tình hình Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng thứ ba cho các hãng xe.

Hôm nay, Volkswagen cho biết ngừng sản xuất xe ở Nga và ngừng xuất khẩu sang nước này cho đến khi có thông báo mới. “Vì sự gián đoạn trên diện rộng với các hoạt động kinh doanh ở Nga, ban điều hành đang xem xét những hậu quả trong giai đoạn đầy bất ổn và biến động này”, công ty cho biết.

Xung đột ở Ukraine đã khiến các nhà cung cấp nhỏ nhưng quan trọng ở nước này đóng cửa. Trong khi đó, lệnh trừng phạt và các tuyến thương mại bị cắt đứt đang cản trở các chuyến hàng ôtô cùng phụ tùng ra vào Nga - nơi từng được coi là một thị trường tăng trưởng tốt.

Các hãng có nhà máy ở Nga cho biết căng thẳng chuỗi cung ứng đang tồi tệ hơn do các ngân hàng nước này bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Việc phong tỏa không phận Nga và gián đoạn các tuyến vận chuyển cũng làm chậm đáng kể dòng chảy hàng hóa.

Cuộc khủng hoảng thứ ba của ngành ôtô

Xe điện Volkswagen ID.5 được sản xuất tại nhà máy ở Zwickau, Đức năm 2020. Ảnh: Bloomberg

Các nhà sản xuất ôtô châu Âu như Renault (sở hữu AvtoVAZ sản xuất thương hiệu Lada tại Nga) và Volkswagen (sở hữu Audi, Skoda, Porsche) nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất do ngừng kinh doanh đột ngột ở Nga. Họ cũng thiếu những phụ tùng quan trọng từ các nhà cung cấp ở Ukraine.

Từ trước đó, Volkswagen đã phải vật lộn duy trì các dây chuyền lắp ráp tại nhà máy chính ở Wolfsburg, Đức, do thiếu hụt linh kiện toàn cầu và gián đoạn tuyến đường thương mại. Khi xung đột nổ ra ở Ukraine, hàng chục nhà sản xuất phụ tùng ở nước này phải đóng cửa. Dù Ukraine có ngành công nghiệp phụ tùng xe hơi nhỏ, họ lại là nhà cung cấp chính các loại dây nịt cần thiết trong hệ thống dây điện của ôtô và kết nối các bộ phận khác nhau trong xe.

Tác động không chỉ giới hạn ở châu Âu. Giữa tuần này, gần chục nhà sản xuất ôtô toàn cầu đã tạm ngừng kinh doanh tại Nga. Một số nhà máy đóng cửa vô thời hạn.

Toyota cho biết sẽ ngừng nhà máy ở St.Petersburg cho đến khi có thông báo mới. Ford đã đình chỉ liên doanh với Sollers OJSC của Nga và tạm dừng bán hàng cho quốc gia này. Hyundai - một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất ở Nga, đóng cửa nhà máy ở St.Petersburg và cho biết họ hy vọng mở cửa trở lại sau một tuần.

Năm ngoái, các nhà sản xuất ôtô toàn cầu thu lợi nhuận lớn, bất chấp tình trạng thiếu chip khiến họ không thể sản xuất đủ xe cho nhiều thị trường. Sản lượng ít dẫn đến giá xe mới tăng vọt, tạo ra biên lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, xung đột Ukraine - Nga lần này đã giáng đòn mới lên ngành ôtô. Các nhà phân tích cho rằng, tác động ban đầu đối với một số nhà sản xuất ôtô là làm giảm sản lượng xe toàn cầu, khoảng 1,5 triệu chiếc trong năm nay. Con số này ít hơn 2% so với 84,2 triệu chiếc mà IHS Markit dự báo trước khi xung đột ở Ukraine diễn ra.

Dù vậy, Stephanie Brinley - nhà phân tích ôtô tại IHS Markit cho rằng, đó vẫn là kịch bản lạc quan. “Sản lượng có thể giảm đến 3 triệu xe”, bà nói. Theo chuyên gia này, còn quá sớm để biết chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hỗn loạn như thế nào.

Các nhà cung cấp đã đóng cửa nhà máy ở Ukraine cho biết họ vẫn đang liên tục đánh giá tình hình để xác định xem liệu có thể tiếp tục sản xuất hay không. Trong khi chờ, họ sẽ cố gắng bù đắp sản lượng bị mất bằng cách chuyển sang các địa điểm khác.

Leoni đang cân nhắc khả năng chuyển sản xuất sang các nhà máy hiện có ở các nước láng giềng như Romania, hoặc đến Bắc Phi. Aptiv thì đã bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất khỏi Ukraine từ cuối tháng trước. “Nhờ vậy, chúng tôi có khả năng xoay xở với gián đoạn tốt hơn. Chúng tôi sẽ theo dõi xem chuyện gì tiếp tục xảy ra”, Joseph Massaro, Giám đốc tài chính Aptiv nói.

Các nhà đầu tư thì chán nản với cổ phiếu của các hãng xe liên quan nhiều đến Nga. Cổ phiếu Renault đã giảm 30% kể từ 18/2. Trước xung đột, 8% lợi nhuận trước thuế của Renault là từ Nga, theo nghiên cứu của Citi.

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng đang thâm nhập vào Nga và lo ngại về tác động của chiến dịch quân sự với hoạt động kinh doanh. Great Wall Motors đã mở nhà máy ở Nga năm 2019 và tăng gấp đôi doanh số bán hàng tại nước này năm ngoái. Chery Automobile - công ty ghi nhận doanh số bán hàng tại Nga tăng gấp ba năm 2021, cho biết đang tìm kiếm một đối tác địa phương ở Nga để sản xuất xe điện.

Nga là thị trường xuất khẩu ôtô lớn thứ ba của Trung Quốc năm ngoái, sau Chile và Saudi Arabia, theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc. “Xung đột Nga-Ukraine đang gây ra rủi ro lớn cho ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc”, Cui Dongshu, Tổng thư ký của hiệp hội bình luận. Cui cảnh báo các nhà xuất khẩu ôtô nước này phải chuẩn bị cho những rủi ro từ việc đồng ruble mất giá.

Theo WSJ/VNE

Đọc thêm

VinFast chiếm thị phần số 1 Việt Nam

VinFast chiếm thị phần số 1 Việt Nam

VinFast công bố đã bàn giao hơn 11.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng trong tháng 10/2024, nâng tổng số luỹ kế lên hơn 51.000 chiếc, chính thức trở thành thương hiệu ô tô số 1 thị trường Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.
Khó khăn bủa vây ngành ô tô Nhật Bản

Khó khăn bủa vây ngành ô tô Nhật Bản

Cạnh tranh ngày càng tăng, chi phí leo thang và doanh số bán chậm lại đã giáng một đòn nặng nề vào các nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản. Nhiều công ty đang cân nhắc các nỗ lực tinh giản để vượt qua những trở ngại của ngành.
Cập nhật bảng giá xe ô tô Toyota tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe ô tô Toyota tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe hãng Toyota Corolla Altis 2022, Veloz Cross 2022, Avanza Premio 2022, Corolla Cross 2021, Yaris Cross 2023, Wigo 2023, Alphard 2023, Corolla Altis 2023, Hilux 2023, Vios 2023, Innova Cross 2023, Fortuner 2024, Corolla Cross 2024, Hilux 2024, Alphard 2024, Land Cruiser Prado 2024 và Camry 2024...
Mazda EZ-6 chính thức ra mắt

Mazda EZ-6 chính thức ra mắt

Mazda EZ-6 vừa chính thức ra mắt với mức giá khởi điểm chỉ từ 19.600 USD và khả năng di chuyển vượt trội tại thị trường Trung Quốc.