Cuộc 'so găng' định đoạt kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

(Baohatinh.vn) - Do cử tri Mỹ đã quá hiểu ông Donald Trump, “cuộc đấu” định hình quan điểm của người dân về ứng viên Dân chủ Kamala Harris được dự báo sẽ quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Bà Kamala Harris phát biểu tại Washington hồi tháng 6. Ảnh: CNP/Bloomberg.
Bà Kamala Harris phát biểu tại Washington hồi tháng 6. Ảnh: CNP/Bloomberg.

Trong 8 năm qua, ông Trump thường là nhân vật được chú ý nhiều nhất trong bức tranh chính trị Mỹ. Dù vậy, trước thềm cuộc tranh luận tổng thống ngày 10/9 tới, mọi ánh mắt đều đổ dồn về bà Harris - người được coi là biến số lớn nhất của cuộc bầu cử năm nay.

Cuộc tranh luận sắp tới sẽ do ABC News tổ chức và giữ nguyên các quy tắc từ cuộc tranh luận Trump - Biden hồi tháng 6, bao gồm quy định tắt mic khi không phát biểu - điều mà đội ngũ của bà Harris từng cố gắng thay đổi.

Đây là lần thứ 7 ông Trump đứng trên sân khấu tranh luận với tư cách ứng viên tổng thống của một đảng lớn - con số cao nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Trong khi đó, đây là lần đầu bà Harris “thượng đài”. Các chuyên gia chỉ ra cử tri sẽ không nhận ra nhiều điểm mới của ông Trump, trong khi sẽ là cơ hội để biết thêm về bà Harris.

“Các cử tri đã đưa ra quyết định về ông Trump năm 2016 và không thay đổi quan điểm”, ông Robert Blizzard, chuyên gia thăm dò dư luận kỳ cựu của đảng Cộng hòa, nói với New York Times. “Điểm khác biệt là cử tri bắt đầu thay đổi quan điểm về Kamala Harris”.

Bà Harris là trung tâm

Cuộc đấu định hình suy nghĩ của cử tri về bà Harris đang trở nên gay cấn, đặc biệt tại các bang chiến địa. Theo thống kê của New York Times, từ khi bà Harris tham gia cuộc đua, có tới 95% số quảng cáo chính trị của hai phe nhằm vào bà.

Phe Cộng hòa chỉ trích bà Harris dựa trên ba khía cạnh: “thất bại, yếu đuối và cánh tả tới mức nguy hiểm”. Họ muốn gắn bà Harris với những chính sách không được lòng dân của chính quyền đương nhiệm, đặc biệt về nhập cư và kinh tế.

Trong khi đó, phe Dân chủ xây dựng hình tượng bà Harris là cựu công tố viên cứng rắn trong vấn đề biên giới, hiểu nhu cầu của tầng lớp trung lưu và sẵn sàng đem tới cho nước Mỹ khởi đầu mới nếu đắc cử.

Bà Harris cũng có lợi thế khi đảng Dân chủ tổ chức đại hội muộn hơn đảng Cộng hòa: Trong khi phe Cộng hòa tập trung công kích ông Biden - người đã rút lui - phe Dân chủ có cơ hội định hình bà Harris là ứng viên của sự thay đổi.

Bà Harris và ông Mike Pence tranh luận năm 2020. Ảnh: C-SPAN.
Bà Harris và ông Mike Pence tranh luận năm 2020. Ảnh: C-SPAN.

Cuộc tranh luận tại Philadelphia ngày 10/9 sắp tới sẽ là quãng thời gian dài nhất bà Harris phải nói mà không có bài phát biểu chuẩn bị trước. Đây sẽ là thách thức lớn khi đối thủ của bà là ông Trump, người sẵn sàng công kích đối thủ.

Dù vậy, phe Dân chủ vẫn hy vọng tái hiện khoảnh khắc khi bà chặn đứng ý định ngắt lời của đối thủ trong tranh luận với ứng viên phó tổng thống Cộng hòa Mike Pence năm 2020.

Phe Cộng hòa hy vọng bà Harris sẽ quên những gì đã chuẩn bị khi bước lên bục tranh luận. Tuy nhiên, ông Trump dường như cũng đang gặp khó khăn trong việc định hình một chiến lược hiệu quả để công kích bà Harris.

“Đầu tiên, ông ấy cố gắng so bà ấy với ông Biden. Sau đó, ông ấy cố xây dựng hình ảnh bà như một công tố viên quận tự do ở San Francisco. Ông ấy thậm chí từng thử sử dụng chiêu bài phân biệt chủng tộc. Ông ấy vẫn không gây ra tác động tiêu cực tới bà ấy”, bà Jennifer Holdsworth, chiến lược gia của đảng Dân chủ, nói.

Chiến thuật của mỗi bên

Giờ đây, nhiệm vụ chính của ông Trump sẽ là gắn bà Harris với các chính sách không được lòng dân của ông Biden. Quảng cáo của phe Cộng hòa được chiếu nhiều nhất đến nay mô tả bà Harris là người góp phần thúc đẩy chính sách “Bidenomics” của ông Biden giữa các chỉ số kinh tế tiêu cực.

Dù vậy, chiến lược này có thể không phát huy hiệu quả khi chỉ có 11% cử tri nghĩ rằng bà Harris có ảnh hưởng đáng kể tới chính sách kinh tế của ông Biden, theo khảo sát của Washington PostABC News. Tỷ lệ cử tri tin vào ảnh hưởng của bà Harris lên chính sách nhập cư cao hơn một chút nhưng cũng chỉ đạt 15% - bất chấp nỗ lực của ông Trump nhằm gọi bà là “bà trùm biên giới”.

“Việc tham gia chính quyền này giúp bà ấy có mọi điểm tốt mà không gặp phải điểm xấu nào”, ông Robert Blizzard nói. “Bà ấy không bị ảnh hưởng bởi những điểm chính quyền Biden bị cho đã thất bại”.

Trong khi đó, bà Celinda Lake, chuyên gia của đảng Dân chủ, nhận định chiến thuật của phe Cộng hòa có mâu thuẫn khi vừa gọi bà Harris là chính trị gia kém hiệu quả, vừa coi bà là nhân vật có ảnh hưởng. “Không thể vừa nói rằng bà không làm gì, vừa là nhân tố thúc đẩy Bidenomics”, bà nói.

Ông Trump đang gặp khó trong việc tìm ra cách thức công kích bà Harris hữu hiệu nhất. Ảnh: New York Times.
Ông Trump đang gặp khó trong việc tìm ra cách thức công kích bà Harris hữu hiệu nhất. Ảnh: New York Times.

Các cuộc tranh luận không chỉ đề cập đến các vấn đề thực chất mà còn giúp cử tri có được ấn tượng về các ứng viên, nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của họ.

Hôm 5/9, bà Harris tới Pittsburgh để bắt đầu quá trình tập luyện tranh luận cường độ cao. Dù vậy, bà đã chuẩn bị cho kịch bản tranh luận giữa các ứng viên phó tổng thống. Bà đã tập hợp một đội ngũ hỗ trợ tranh luận do Karen Dunn, luật sư kỳ cựu của đảng Dân chủ, dẫn đầu.

Ông Philippe Reines, người đóng vai ông Trump để tập tranh luận với bà Hillary Clinton 8 năm về trước, dự kiến đóng vai ứng viên phó tổng thống Cộng hòa JD Vance. Giờ đây, ông Reines sẽ lại được đóng vai cũ. Hồi năm 2016, ông thậm chí từng cố ôm bà Clinton khi đóng vai ông Trump với lý do ứng viên phải chuẩn bị cho mọi kịch bản.

Khác với bà Harris, ông Trump tập tranh luận bằng cách cùng nghĩ ý tưởng với bạn bè và cố vấn. “Ông ấy kiểm soát rất tốt trong cuộc tranh luận với ông Biden và ông ấy hưởng lợi từ điều đó”, bà Celinda Lake nhận định. “Biến số sẽ là liệu ông Trump có thể tự kiểm soát bản thân hay không”.

Tính đến thời điểm này, hai phe mới chỉ đạt được đồng thuận tổ chức cuộc tranh luận ngày 10/9 tới. Hai bên đang đàm phán với NBC tổ chức một cuộc tranh luận khác, nhưng kết quả vẫn chưa được công bố.

znews.vn

Đọc thêm

Pháp sẽ có chính phủ mới trong tuần tới

Pháp sẽ có chính phủ mới trong tuần tới

Tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier cho biết, trong tuần tới, nước này sẽ có chính phủ mới. Hiện ông đang khảo sát các ứng cử viên để điều hành các bộ và cần nhận được sự ủng hộ của Quốc hội treo tại nước này.
Ông Donald Trump khiến đồng minh thất vọng

Ông Donald Trump khiến đồng minh thất vọng

(NLĐO) - Một số quan chức, nhà tài trợ và cố vấn Đảng Cộng hòa cho biết ông Donald Trump đã làm hỏng cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris dù ông Trump tự khen ngợi màn thể hiện của chính mình.
Đồng yên Nhật tăng cao nhất kể từ đầu năm

Đồng yên Nhật tăng cao nhất kể từ đầu năm

Đồng yên Nhật đạt mức cao nhất kể từ đầu năm so với đồng USD, giữa lúc ứng cử viên tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump bắt đầu cuộc tranh luận đầu tiên trước cuộc bỏ phiếu vào tháng 11.
Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên

Bầu cử Mỹ 2024: Hai ứng cử viên bước vào màn tranh luận trực tiếp đầu tiên

Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại Trung tâm Hiến pháp Quốc gia (NCC) ở Philadelphia, Pennsylvania. Giới quan sát nhận định trong “màn so găng đầu tiên” này, ứng cử viên nào chiếm thế áp đảo sẽ có thể tạo đà tâm lý thuận lợi cũng như giành ưu thế đáng kể trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.
Không có 'tuần trăng mật'

Không có 'tuần trăng mật'

Nội các mới của nữ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đã chính thức được Nhà vua Thái Lan phê chuẩn, mở đường cho vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử “đất nước Chùa Vàng” bắt tay vào thực thi trọng trách của mình với cả thuận lợi cùng vô vàn thách thức đan xen, như chính bà Paetongtarn thừa nhận rằng Chính phủ mới sẽ không có “tuần trăng mật”.