Đang trong kỳ nghỉ phép về nhà thăm vợ con, anh Nguyễn Tiến Thông (sinh năm 1974, trú thôn 7, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tỏ ra bất ngờ khi biết tin Qatar bị 9 nước láng giềng cô lập.
“Tôi vẫn thường xuyên điện thoại cho các anh em hỏi han về tình hình. Thấy mọi người bảo vẫn ổn. Thời tiết ở bên đó đang nắng nóng nên công nhân chỉ làm việc 6 tiếng/ngày”, anh Thông cho biết.
Anh Thông bên con gái trong kỳ nghỉ phép tại quê nhà.
Làm việc trong lĩnh vực cơ khí cho một ông chủ người Hà Lan kể từ năm 2013 đến nay, anh Thông kể, ngày đấy gia đình đã phải bỏ ra một khoản tiền gần 200 triệu đồng để giúp anh sang Qatar. Sau 4 năm lăn lộn mưu sinh ở Trung Đông, hiện tại anh Thông cũng đã có thể tích cóp giúp đỡ được phần nào cho gia đình.
Dưới con mắt của người đàn ông 43 tuổi, cuộc sống của lao động người Việt ở Qatar, đặc biệt là lao động Hà Tĩnh, mặt bằng chung tương đối ổn định, chế độ khá tốt. Mỗi năm công nhân được về phép 21 ngày. Trong thời gian này vẫn được hưởng nguyên lương và tiền vé máy bay cả đi lẫn về được công ty sử dụng lao động chi trả.
Khi PV Báo Hà Tĩnh điện tử đặt câu hỏi liệu anh có lo lắng gì trước cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện đang diễn ra ở Qatar hay không, người đàn ông này bình tĩnh trả lời: “Nói chung là nếu như đất nước họ ổn định thì người lao động trực tiếp ở đó cũng có thuận lợi hơn. Tuy nhiên mình không hoang mang gì cả. Vì công ty bên đấy lo ăn ở, làm việc cũng khá uy tín, họ sẽ không để sự việc gây ảnh hưởng nhiều đến nhân công”.
Gạt đi những mối bận tâm, anh Thông chia sẻ tiếp về những điều thú vị ở nơi mình đang làm việc. Qatar là đất nước theo đạo Hồi, người dân kiêng ăn thịt lợn, thịt cừu là thức ăn chính bên cạnh các nhu yếu phẩm khác. “Mỗi lần về phép, ai cũng mang hàng chục kg thịt lợn từ quê nhà sang, mọi người chia nhau mỗi phòng mỗi miếng ăn cho đỡ thèm”, anh Thông kể.
“Cũng giống như ma túy ở Việt Nam, rượu ở Qatar là mặt hàng cấm. Ví dụ như đi trên xe 15 người, nhưng khi công an kiểm tra phát hiện thấy 1 chai rượu thì cả 15 chú chuẩn bị sẵn sàng để lên máy bay về nước. Khi đi trên xe mặc cái gì thì lên máy bay mặc luôn cái đó”, anh Thông tếu táo.
Trong căn nhà xây khang trang, bên ngoài dán chữ Hỷ ở thôn 6, xã Cẩm Thăng, anh Hoàng Văn Trình vui vẻ chia sẻ vừa cưới vợ sau bao năm miệt mài lao động ở Qatar. Để lại thời trai trẻ của mình ở nước bạn, anh không có dịp hẹn hò, song bù lại có kinh tế khá giả, có tiền tiết kiệm về xây nhà.
Anh Trình là một trong những người đầu tiên ở xã Cẩm Thăng đi XKLĐ ở Qatar.
Ở tuổi 34, ai cũng nói anh lấy vợ muộn, tuy nhiên người đàn ông này cười xòa, bởi nếu không đi xuất khẩu lao động cải thiện kinh tế, thì chưa chắc đã có cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.
Nhớ lại những ngày tháng ở Qatar đi làm thuê trong nghề kết cấu thép, anh cho hay công việc bên nước bạn cũng không khác ở Việt Nam là bao, song họ chuyên nghiệp hơn, làm bài bản hơn, mỗi ngày làm 8-10 tiếng. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất ở Qatar thì “không thể chê vào đâu được”, những tòa nhà chọc trời, công trình kiên cố mọc lên khắp nơi.
Công trình nhà máy đóng tàu do công ty anh Trình chịu trách nhiệm thi công ở Qatar. (Ảnh: NVCC)
So với người lao động, người dân bản địa Qatar có đời sống rất cao, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới, họ được Chính phủ bao cấp toàn diện. Đặc biệt, ở Qatar xăng dầu cực kỳ rẻ. “Tôi chạy xe 16 chỗ nhưng bơm xăng 190.000 đồng là đã đầy bình hơn 50 lít”, anh Trình nói.
Dù ở Hà Tĩnh đôi lúc cũng phải chịu cái nắng gắt trên 40 độ C, song theo anh Trình thì “không nhằm nhò gì” so với khí hậu ở Qatar. Tại đây thời tiết rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè có thể lên tới 60 độ C, hễ cứ đi làm về là phải chạy ngay vào phòng điều hòa chứ ở ngoài không thể chịu được.
“Hồi mới sang khá khó chịu, nhưng lâu dần rồi cũng quen. Ở đây, mùa đông cũng như mùa hè, điều hòa luôn phải chạy 24 tiếng mỗi ngày. Được cái rất may mắn là tiền điện, nước đều được công ty chi trả chứ nếu không riêng tiền chi cho khoản này cũng đã mất kha khá”, anh Trình kể.
7 năm làm việc tại Qatar, anh Trình cũng đã “lận lưng” được một ít vốn tiếng Anh. Anh kể, hồi mới sang, làm việc cho các ông chủ người Anh, Pháp, Hà Lan... tiếng Anh còn bập bẹ, nên rất khó khăn trong giao tiếp. Sau một thời gian, được tiếp xúc nhiều, hiện tại anh đã có thể giao tiếp cơ bản, hiểu được những gì người đối diện nói.
Tại đất nước được mệnh danh là “giàu nhất thế giới”, điều khiến anh ấn tượng nhất là ở đây, đàn ông không được nhìn chằm chằm hay trêu ghẹo phụ nữ, nếu không sẽ bị báo cảnh sát, bắt về đồn.
Những năm làm việc ở Qatar, anh Trình cũng tích góp được ít vốn về lo cho gia đình, tuy nhiên hiện tại người vợ trẻ đang mang thai, công việc ở nhà cũng hiếm. Anh cho hay ông chủ cũ ở Qatar liên tục gọi điện giục sang làm việc, nên sắp tới anh dự định sẽ lại sang đây, phần cũng muốn cải thiện thu nhập, phần còn lại cũng rất nhớ “đất nước sa mạc”.
Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thăng cho biết, toàn xã hiện có 40 người đang đi xuất khẩu tại Qatar, sắp tới sẽ có 4 người tiếp tục sang đất nước này làm việc. Những ngày này, qua hệ thống loa phát thanh, xã đã cập nhật và thông báo tình hình căng thẳng ở Qatar để cho thân nhân các lao động được biết và yên tâm.
"Nhìn chung, làm việc ở Qatar thu nhập khá, đời sống của nhiều người dân trong xã cũng được cải thiện khá nhiều khi đi xuất khẩu lao động ở quốc gia vùng Vịnh", ông Báu nói.
Một góc của xã Cẩm Thăng, nơi có nhiều người XKLĐ ở Qatar.
Thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 276 lao động đang làm việc hợp đồng ở Qatar, chiếm khoảng 15,3% trong tổng số 1.800 lao động cả nước. Lao động người Hà Tĩnh ở Qatar chủ yếu đến từ các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã như Cẩm Thăng, Cẩm Yên, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, Thịnh Lộc... Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Hoằng, Đại sứ Việt Nam tại Qatar cho hay, trước những căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia láng giềng, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn tại đây “cũng phần nào lo lắng” nhưng “về cơ bản hiện tại đời sống và tình hình công việc của bà con chưa có nhiều xáo trộn, tâm lý tương đối ổn định”. Trường hợp cần sự hỗ trợ, người lao động có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar theo số điện thoại: +974 4412 8480, +974 4412 8365, +974 4412 8366, hoặc theo đường dây nóng +84 98 7476 466, +84 90 4240 468, +84 4 39366633 của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). |