Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

(Baohatinh.vn) - Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng dòng ký ức của những ngày đấu tranh ngoan cường khi còn là lính biệt động Sài Gòn, rồi bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc vẫn vẹn nguyên trong trái tim người cựu binh Bùi Văn Đối (xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Thương binh Bùi Văn Đối và mô hình tra tấn của địch trong nhà tù Phú Quốc cách đây hơn 50 năm (ảnh nhỏ).

Người lính ngoan cường

Ông Bùi Văn Đối (SN 1944, thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc, Lộc Hà) nhập ngũ vào tháng 2/1964, thuộc biên chế Sư đoàn 325; tham gia huấn luyện cùng đơn vị ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Tháng 9/1964, ông cùng đồng đội hành quân vào Tây Nguyên chiến đấu; tháng 6/1965, ông được tuyển chọn và đưa sang Campuchia huấn luyện trong đơn vị đặc công. Đến tháng 12/1965, ông được điều động về Sài Gòn nằm vùng hoạt động với vai trò lính biệt động kết nối thông tin trong nội thành ra căn cứ và ngược lại.

Sau gần 2 năm hoạt động trong lòng địch, ông đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ, nắm bắt tình hình, chuyển nhận thông tin 2 chiều, góp phần giúp quân ta giành thắng lợi trong nhiều trận đánh. Ngày 16/6/1968, trong lúc thực hiện nhiệm vụ chuyển công văn từ căn cứ Bời Lời (Dầu Tiếng, Tây Ninh) vào nội thành Sài Gòn, ông bị địch phục kích và bắt giữ.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Ông Bùi Văn Đối cùng vợ ôn lại kỷ niệm về thăm chiến trường xưa tại nhà tù Phú Quốc năm 2020.

“Hôm đó, khoảng 10h đêm, tôi cải trang thành một người dân thường mang theo công văn tới điểm hẹn. Khi vừa đi tới gần chân cầu Bình Triệu 1 thì bị phục kích. Một tiểu đội của địch ở bên kia cầu liên tục xả súng về phía tôi, nhiều phát đạn trúng vào người, dù choáng váng nhưng tôi vẫn kịp cho mẩu giấy chứa tài liệu vào miệng nhai nuốt, đồng thời vứt khẩu súng ngắn được trang bị xuống sông…” - ông Đối nhớ lại.

2 tháng sau, khi hồi tỉnh, ông Đối mới biết mình đang được điều trị tại Bệnh viện Long Bình (cơ sở y tế của địch ở Sài Gòn lúc bấy giờ), với 18 phát đạn vào người, gây vỡ xương quai hàm, thủng dạ dày, thủng ruột… và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Khi địch bắt đầu lấy khẩu cung, ông Đối nhớ lại trong lúc trúng đạn, vẫn còn mang trên mình giấy tờ ghi tên thật, quê quán và tên bố mẹ do đơn vị cấp lúc nhập ngũ, ngay lập tức kịch bản đối phó được chuẩn bị từ trước được ông áp dụng.

“Theo kịch bản được huấn luyện khi tổ chức cử vào hoạt động nằm vùng, tôi khai rõ quê quán, gia đình đúng như giấy tờ mà địch đã thu được. Riêng về thông tin đơn vị, tôi khai mình là lính ở một đơn vị bộ binh, trong quá trình chiến đấu bị lạc nên lang thang vào Sài Gòn” - ông Đối kể.

Với sự thống nhất trong lời khai và chứng cứ khi bắt, sau nhiều lần dùng các thủ đoạn tra tấn, lấy cung, quân địch không khai thác được gì ở ông Đối. Cuối tháng 12/1968, địch đưa ông ra nhà tù Phú Quốc.

Trong ngục tù vẫn không ngừng đấu tranh

Suốt hơn 4 năm (tháng 1/1969 - 2/1973) bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc cùng hàng nghìn chiến sỹ khác, ông Đối không ngừng đấu tranh và trải qua đủ loại cực hình tra tấn của giặc. Trong đó có 2 sự kiện khiến ông nhớ mãi, đó là việc bị phát hiện khi tổ chức đào hầm vượt ngục và đấu tranh tuyệt thực phản đối địch giết tù nhân vô cớ.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Di tích Nhà tù Phú Quốc (TP Phú Quốc, Kiên Giang) ngày nay. Ảnh: Internet.

“Tháng 6/1969, tôi bị giam cùng với 100 anh em ở phòng giam thuộc khu tù binh A5. Lúc đó dù ở trong sự kiểm soát của địch nhưng tổ chức Đảng vẫn hoạt động bí mật trong tù. Tôi và anh Cao Viết Lượng (Thanh Hóa) cùng một chiến sỹ tên Bình được phân công phụ trách tổ đào hầm, trong đó, ông Lượng là tổ trưởng. Trong căn phòng chật hẹp, chúng tôi khoét sàn gỗ 40 x 60 cm, tất cả anh em thay phiên nhau dùng thìa ăn cơm giấu được đào từng thìa đất, cho vào ống tay áo, đất được phi tang bằng cách chuyền ra ngoài khi thay phiên nhau đi rửa chén bát… Cứ như thế ròng rã 2,5 tháng, chúng tôi đào được đường hầm 15m (dự tính 45m) thì bị địch phát hiện. Ngay lập tức chúng bắt người tra khảo cực kỳ dã man” - ông Đối nhớ lại.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Ông Bùi Văn Đối (ở giữa) cùng các cựu chiến binh xã Hồng Lộc (Lộc Hà) ôn lại truyền thống chiến đấu với thế hệ trẻ.

Để giảm thiểu thiệt hại, theo sự phân công, ông Đối, ông Bình và ông Lượng đứng ra nhận trách nhiệm. Các cực hình tra tấn dã man được thực hiện như: bỏ vào thùng phi đựng nước đánh đến bật máu tai, đánh bằng roi đuôi cá đuối rách hết da thịt, rắc ớt bột vào các vết thương… nhưng kẻ địch vẫn không khai thác được gì, nên cuối cùng chúng giam ông Đối cùng 2 đồng đội vào chuồng cọp ròng rã 1 tháng trời.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Ông Bùi Văn Đối từng bị nhốt vào chuồng cọp trong hơn 1 tháng trời, đây là một trong những hình thức tra tấn dã man của địch ở nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Internet

Tháng 2/1970, phòng giam của ông Đối được chuyển về phân khu 8 (Nhà tù Phú Quốc), có khoảng 1.200 tù binh. Trong một buổi trưa khi ông Đối và mọi người đang nghỉ ngơi, một tên lính ngụy canh gác đã bất ngờ nã súng vào khu nhà giam, khiến 12 đồng chí hy sinh. Phản đối vụ việc, gần 1.200 tù binh đã đồng loạt biểu tình, buộc quản lý nhà tù phải giải trình. Không chấp nhận lời giải thích thoái thác của quản tù, các chiến sỹ đồng loạt tuyệt thực với yêu sách đề nghị bộ chỉ huy của địch lên tiếng. Ngày thứ 10 tuyệt thực, 6 đồng chí hy sinh, địch buộc phải thực hiện yêu sách, cử đại diện bộ chỉ huy từ đất liền ra đảo thừa nhận sai và hứa sẽ đảm bảo an toàn cho các tù binh, không để tái diễn việc giết người vô cớ.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Các chiến sỹ bị địch bắt giam cũng được trao trả. “Đằng đẵng trong nhà tù của địch không biết sẽ bị giết khi nào nên biết tin Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi vui sướng đến chảy nước mắt, chờ mong ngày trở về” - ông Đối nghẹn ngào.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Ông Bùi Văn Đối kể lại khoảnh khắc vui sướng khi được tự do, sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Ngày 21/2/1973, ông Đối cùng đồng đội lên phi cơ C130, xuất phát từ Phú Quốc vào lúc 8h30“sáng. Tuy nhiên, mãi tới tận 1h30” sáng 22/2/1973 mới hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. “Sau khi ở khu an dưỡng về, chúng tôi mới được kể lại, địch đã có ý thủ tiêu chuyến bay, gồm phi hành đoàn và 150 chiến sỹ. Tuy nhiên, phát hiện bất thường, chính quyền cách mạng của ta đã lên tiếng với tổ chức Hồng thập tự quốc tế can thiệp kịp thời, do vậy, chúng tôi sống sót” - ông Đối cho biết.

Mãi mãi xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Dù trở về với hàng chục vết thương trên người (hiện ông vẫn còn 17 mảnh đạn trong cơ thể), là thương binh nhưng sau thời gian an dưỡng, ông Bùi Văn Đối tiếp tục cống hiến cho cách mạng, đất nước. Cuối năm 1973, ông Đối chuyển ngành về làm công nhân tại Xí nghiệp Công nghiệp nhẹ Thủy tinh Đò Điệm (Thạch Hà); năm 1979, chuyển ra làm cán bộ văn phòng Ty Thương binh Nghệ Tĩnh (TP Vinh). Năm 1986, ông nghỉ hưu và về quê sinh sống tại xã Hồng Lộc.

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Sắp bước vào tuổi 80 nhưng ông Bùi Văn Đối vẫn tích cực tham gia các phong trào xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Dù nghỉ hưu, ông vẫn nhiệt tình tham gia các tổ chức đoàn thể và các phong trào địa phương như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa… Năm 2014, ông là người khởi xướng khôi phục lại tuồng cổ hát bội ở thôn Đông Thịnh, đồng thời phối hợp với chính quyền thành lập CLB tuồng cổ. CLB có 15 thành viên do ông Đối làm chủ nhiệm đã phục dựng nhiều vở tuồng cổ nổi tiếng từ hàng chục năm trước, biểu diễn phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ tết như: Tần Hương Liên; Thoại Khanh Châu Tuấn; Trưng Trắc, Trưng Nhị…

Cựu binh Hà Tĩnh và những ngày không thể nào quên ở nhà tù Phú Quốc

Cảnh trong vở tuồng cổ "Tần Hương Liên" do CLB tuồng cổ thôn Đông Thịnh (Hồng Lộc, Lộc Hà) biểu diễn. Ảnh tư liệu

“Từ ngày rời xa chốn tù đày Phú Quốc, tôi đều luôn tâm niệm: Mình phải giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ để xứng đáng với sự hy sinh của cha anh, đồng đội, bạn bè vì độc lập của dân tộc; để các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - cựu binh Bùi Văn Đối tâm sự.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.