Những ngày này, em Phạm Diệu Anh - lớp 12D, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) đang tích cực chuẩn bị cho đợt thi kiểm tra năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 4 tại Đà Nẵng. Chuẩn bị cho kỳ thi năng lực khá muộn so với bạn bè nên Diệu Anh cũng khá áp lực. Tuy nhiên, mục tiêu giành “vé” tuyển thẳng vào Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh là động lực để em không ngừng cố gắng.
Phạm Diệu Anh chia sẻ: “Đầu năm nay, em tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh và đã đạt 6.5 IELTS. Để mở rộng cơ hội được xét tuyển thẳng, em quyết tâm ôn thi năng lực. Như vậy, cùng lúc, em phải thực hiện 3 việc là học tiếng Anh, học để thi năng lực và học để thi tốt nghiệp THPT. Dù vất vả nhưng em nghĩ đầu tư cho kiến thức là đầu tư cho tương lai nên sẽ cố gắng hết mình”.
Xác định mục tiêu chính là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng em Đặng Dương Linh Tuấn - lớp 12A2, Trường THPT Kỳ Anh vẫn muốn tự tạo thêm cơ hội cho mình bằng cách tham gia thi năng lực.
Linh Tuấn cho biết: “Em sẽ tham gia lần thi năng lực đầu tiên do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào đầu tháng 4 tới. Dù đã dành nhiều thời gian ôn luyện và quyết tâm cao nhưng em không quá đặt nặng kết quả. Em sẽ xem đây như 1 lần thử thách để rút kinh nghiệm”.
Cùng mong muốn tìm kiếm cơ hội xét tuyển vào ngôi trường đại học mơ ước, Mai Tiến Đạt - lớp 12 A4, Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã chuẩn bị kiến thức để bước vào kỳ thi năng lực đầu tháng 4 tới.
Để được xét tuyển, ngoài nỗ lực "làm đẹp" học bạ, Đạt cũng phân bổ thời gian hợp lý nhằm trang bị kiến thức cho lần thi năng lực sắp tới. "Lợi thế của em là kiến thức ở các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh khá vững nên em chỉ cần dành một phần thời gian ôn tập kiến thức các môn xã hội, đồng thời tìm kiếm thêm thông tin ở những kênh chính thống để mở rộng hiểu biết" - Đạt chia sẻ.
Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, phương thức xét tuyển vào đại học ngày càng đa dạng. Trước đó, ngoài một số đối tượng được ưu tiên tuyển thẳng theo quy định, việc xét tuyển đại học đa phần xét điểm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trên hành trình thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, các đại học, trường đại học ngày càng đa dạng phương thức tổ chức.
Hiện nay, trung bình mỗi trường có từ 4 - 6 phương thức xét tuyển, trong đó, xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn là phương thức hàng đầu nữa. Đây chính là "mảnh đất màu mỡ" để các sĩ tử "gieo mầm hy vọng".
Thầy Nguyễn Nam Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng thông tin: “Cùng với việc ưu tiên tuyển sinh cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế SAT hoặc ACT, phương thức xét tuyển bằng điểm số qua kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy theo đề thi riêng của các trường đại học đang ngày càng phổ biến. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều học sinh của trường nắm bắt xu thế này. Để tạo điều kiện cho các em, ngoài công tác tư vấn, cung cấp thông tin, trường cũng đã chỉ đạo giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy".
Cuối tháng 2/2024, hơn 100 trường đại học trên cả nước công bố phương án tuyển sinh với các phương thức xét tuyển đa dạng, linh hoạt như: xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, theo học bạ THPT, theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, theo chứng chỉ quốc tế... Đây chính là cơ hội để học sinh Hà Tĩnh rộng mở cánh cửa vào đại học cho bản thân trong mùa thi năm nay.