Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa lập biên bản vi phạm hành chính với Thủy điện Hố Hô
Cụ thể, sau kỳ họp cuối năm 2013, trước tình hình xảy ra nhiều sự cố về môi trường, xã hội ở một số dự án thủy điện (DATĐ), đặc biệt là dạng thủy điện vừa và nhỏ, Quốc hội (khoá XIII) đã ban hành Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Theo báo cáo mới nhất do Chính phủ trình, sau 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo NQ62 của Quốc hội, Bộ Công Thương và các địa phương đã loại khỏi quy hoạch 8 DATĐ bậc thang (655 MW) và 463 DATĐ nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61MW).
"Đối với các dự án còn lại sau khi đã loại bỏ khỏi quy hoạch, UBND các tỉnh vẫn tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà Chủ đầu tư không triển khai thực hiện. Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch theo đúng các yêu cầu đã được nêu ra trong Nghị quyết số 62", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa lệnh Chính phủ báo cáo.
Cũng theo báo cáo trên, kết quả rà soát thủy điện tính đến tháng 9 năm 2016 đã cơ bản đầy đủ trên phạm vi cả nước, đảm bảo các yêu cầu tại NQ62 của Quốc hội. Hiện nay, trên cả nước có 306 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy là 15.474,3 MW đang vận hành phát điện; 193 dự án (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng; 245 dự án (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư; còn lại 59 dự án (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan.
Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, báo cáo cũng cho biết, hiện cả nước đã vận hành phát điện 61 công trình (13.101,10 MW); đang thi công xây dựng 31 dự án (3.580,50 MW); đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án (730, 50 MW); có 03 dự án (128 MW) chưa cho phép nghiên cứu đầu tư. Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ: đã vận hành phát điện 245 công trình (2.373,2 MW); đang thi công xây dựng 162 dự án (2.082,16 MW); đang nghiên cứu đầu tư 230 dự án (2.275,50 MW); chưa cho phép nghiên cứu đầu tư 56 dự án (293,88 MW).
Theo Chính phủ, không chỉ kiểm tra, rà soát về quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương liên quan cũng đã rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các công trình thuỷ điện,bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thuỷ điện. Bộ Công thương cũng đã tổ chức hàng chục đoàn đi kiểm tra về chất lượng xây dựng công trình nhiều dự án ở các địa phương, đã phát hiện một số vi phạm về tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa bằng cách tự ý xây tường cơi nới đập và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong khi thi công công trình.
"Đối với các DATĐ vi phạm, Đoàn công tác đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng thi công đến khi đảm bảo các yêu cầu theo quy định mới được tiếp tục triển khai (DATĐ Sập Việt, Sơn La); đối với DATĐ tự ý cơi nới đập, Đoàn công tác yêu cầu đập bỏ và khôi phục nguyên hiện trạng (DATĐ Suối Sập 3, tỉnh Sơn La)", thông tin cho biết.
Sự cố ở Thủy điện Sông Bung 2 được đánh giá là nghiêm trọng
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho hay, đối với các DATĐ Đại Nga và Đại Bình, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ đạo tạm dừng thi công đối với DATĐ Đại Bình và tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng của Chủ đầu tư các dự án nêu trên, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn Chủ đầu tư hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, vướng mắc đối với hai dự án Đại Nga và Đại Bình".
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, hiện nay, việc phân cấp để quản lý chất lượng công trình vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đó là tình trạng các Sở Công Thương chưa có hoặc có ít cán bộ có chuyên môn cần thiết liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông,...
"Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc quản lý chất lượng công trình của các Sở Công Thương từ khâu thẩm định thiết kế đến việc tổ chức, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu còn tồn tại một số vấn đề, chưa theo đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu công việc", báo cáo Chính phủ nêu.
Việc phối hợp giữa Sở Công Thương hoặc Chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ (chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước) với các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn thẩm tra để thẩm tra, thẩm định thiết kế công trình cũng được cho là: Bị hạn chế, tồn tại bất cập". Lý do là vì Sở Công Thương và Chủ đầu tư dự án chưa nắm bắt được đầy đủ, chính xác thông tin về năng lực và kinh nghiệm thực sự của chuyên gia, đơn vị tư vấn; chưa có chuyên môn để lựa chọn được chuyên gia, đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm hoặc đưa ra yêu cầu đầy đủ về nội dung cần thẩm tra cũng như đánh giá chất lượng kết quả thực hiện của chuyên gia, đơn vị tư vấn thẩm tra.
Dẫn ví dụ vừa qua về sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thay lời Chính phủ báo cáo: "Đây sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình, có thể nói đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình của Chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan lý nhà nước tại địa phương đối với các DATĐ".