Mâm cơm chiều 30 ấm cúng, sum vầy bên gia đình, Linh (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) mở chai rượu vang rót mời tôi: “Vang Pháp, ngon lắm đấy. Thế này thôi cho có vị, còn phải để sức đưa vợ con du xuân”. Anh cho biết: Là một trưởng phòng kinh doanh, tận ngày 30 tết mới thực sự có thời gian cho gia đình. Trước đây, chiều 30 không tổ chức ở nhà thì cũng tham gia tiệc tất niên với những chầu rượu túy lúy cùng hội bạn. Nhưng năm nay, không gọi ai và gọi chắc cũng không nhiều người đến vì ai cũng đang lo mâm cơm cuối năm cùng gia đình.
Phần lớn người dân uống rượu có điểm dừng, có trách nhiệm
Đêm 30 trên địa bàn thành phố, hầu hết các cụm dân cư, tổ dân phố, tổ liên gia đều tổ chức đón giao thừa tập trung. Địa điểm được chọn là hội quán hay khu đất độc lập, hè phố. Cầu kỳ thì có thể là bê, lợn quay hay đơn giản thì là bánh kẹo, hoa trái. Tất nhiên, rượu không thể thiếu. Cũng zô zô chúc xuân, cũng hát mừng năm mới nhưng tất cả đều có điểm dừng. Và điều đáng ghi nhận nhất là có tổ chức, có người cầm trịch nên không có cảnh say sưa quá chén, xích mích, lộn xộn.
“Thay vì chạy rông uống rượu vừa mất an toàn giao thông lại dễ sinh lắm chuyện không hay, những cuộc đón giao thừa tập trung như thế này vừa tăng thêm tình đoàn kết, vừa đảm bảo an ninh trật tự. Mấy năm nay tổ liên gia chúng tôi thường chuẩn bị tổ chức, mỗi hộ 200.000 đồng, ai có thì tài trợ thêm” – anh Hồng ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết.
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, những ngày đầu năm, cùng với những cuộc thăm hỏi, du xuân thì chén rượu chúc phúc, chúc mừng năm mới là không thể thiếu. Vì thế, trong mỗi gia đình, ngoài đĩa bánh kẹo luôn có chai rượu xuân. Thế nhưng, thay vì những chai rượu “quốc lủi” sủi tăm, những chai rượu ngoại không rõ xuất xứ thì nhiều nhà mời khách bằng rượu vang hay rượu ngâm thực vật cho "nhẹ bụng”. Điều đặc biệt là hầu hết đều có quả cam để giải rượu. Có vẻ như nhờ đó, các cuộc thăm hỏi, du xuân được kéo dài, không khí thêm đầm ấm, vui vẻ hơn.
Nói như Nam - ở phường Bắc Hà: “Đến nhà nào cũng mời chén rượu đầu năm may mắn, nghĩa tình nên không thể từ chối nhưng phải biết điểm dừng. Nhiều khi anh em chén chú chén anh, này này ép ép nên tết chưa qua xuân đã vội tàn. Mới mồng 1 đã say nằm một đống. Năm nay, mình đưa vợ con đi chơi thoải mái vì không uống quá nhiều bia, rượu”.
Tết đến, xuân sang và những chén rượu chúc xuân vẫn tràn đầy. Thế nhưng, đó là chén tình, chén nghĩa, chén may mắn, sum vầy, đoàn viên. Càng ngày, những cuộc rượu sa đà, túy lúy và vô bổ dịp tết càng thưa dần. Nhờ đó, các hệ lụy buồn, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn giao thông được kiềm chế. Điều đó một phần từ những định chế về cấm sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông, về lịch nghỉ tết cận kề và lý do thời tiết. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người. Người mời rượu và người được mời đều hiểu rằng, chén rượu đầu xuân là chén rượu mừng, phải uống như thế nào để tận hưởng hết hương vị xuân trong từng chung rượu.