Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh: Cần cụ thể hóa quy định của các dự án luật để phù hợp với thực tiễn

(Baohatinh.vn) - Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh cho rằng, Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu, cụ thể hóa quy định các dự án luật để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.

Sáng 23/10, các đại biểu Quốc hội tại Hà Tĩnh tiếp tục thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh và Trần Đình Gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành phiên thảo luận.

Các vị đại biểu Quốc hội bầu tại địa phương và đại diện các sở, ngành liên quan cùng dự.

Trong ngày làm việc thứ 4, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong đó nhiều nội dung mới, chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 8 chương, 98 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Các đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh tham gia thảo luận tổ.

Tại phần thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với các nội dung quy định dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi). Đại biểu tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) nhưng đề nghị các điều khoản trong luật cần được quy định chi tiết hơn.

Về sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, đại biểu thống nhất với phương án 2: “Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (đối với phim có nội dung, đề tài phục vụ nhiệm vụ chính trị) hoặc đấu thầu (đối với phim có các nội dung khác)".

Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đậu Tùng Lâm đề nghị chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép.

Đại biểu cũng đề nghị không giao UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện phát triển điện ảnh tại địa phương mà chỉ giao HĐND tỉnh ban hành để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Đề nghị xem xét việc phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn tùy thuộc điều kiện thực tế của từng địa phương...

Toàn cảnh phiên thảo luận.

Xung quanh dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), đại biểu đề nghị có sự thống nhất, đồng bộ và phân cấp rõ ràng hơn trong khen thưởng giữa tổ chức chính trị xã hội với chính quyền.

Đối với khen thưởng cấp Nhà nước, nên nâng tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng khen thưởng nhưng vẫn tạo được tính khích lệ, động viên người được khen thưởng; đối với khen thưởng cấp tỉnh nên hạ tiêu chuẩn để tăng tính khích lệ, động viên phù hợp với các đối tượng ở cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia đóng góp ý kiến vào Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu nêu thực tế hiện nay, quỹ thi đua, khen thưởng cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc phát động các phong trào thi đua và hạn chế số lượng khen thưởng hoặc không khen. Vì vậy, đề nghị cần cụ thể hóa các quy định để tạo điều kiện bố trí nguồn lực nhằm triển khai hiệu quả.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng trao đổi tại phiên thảo luận.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ: hiện nay, tính thương mại hóa trong phim khá rõ, do đó, tác phẩm cần chú trọng hơn đến việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc; các bộ phim cần được đặt tên dung dị, dễ hiểu, không giật gân. Cần có sự quản lý của nhà nước về tên gọi, nội dung phim tránh ảnh hưởng tới tư tưởng của người xem.

Cần lựa chọn, quy định hình thức quảng cáo phù hợp; quan tâm hơn tới việc sản xuất phim hướng đến khán giả nhỏ tuổi và phù hợp với độ tuổi của trẻ em. Việc tổ chức chiếu phim lưu động cần phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương...

Cần phát huy vai trò định hướng của ngành văn hóa trong sản xuất và phát hành phim. Về phim sử dụng ngân sách nhà nước, không nên chỉ giới hạn bằng cách đặt hàng, giao nhiệm vụ mà cần đa dạng hoá hình thức để tăng tính sáng tạo trong nghệ thuật...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói