Cùng đó, đường dây liên thông giữa các trạm 110 kV dài, truyền tải lượng công suất nhỏ nên khi xảy ra sự cố tại các trạm 110 kV chỉ cấp hỗ trợ được một số phụ tải. Ngoài ra, hệ thống hạ áp, nhất là hệ thống lưới điện nông thôn còn yếu và có quá nhiều điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ) rất dễ gây mất điện, mất an toàn trong mùa mưa bão. Do vậy, Công ty Điện lực Hà Tĩnh và các điện lực trực thuộc đã chuẩn bị tốt mọi điều kiện, nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định.
Điện lực TP Hà Tĩnh tu sửa hệ thống lưới điện, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định trong mùa mưa bão. |
Ông Nguyễn Phúc Phong - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: Ngay từ rất sớm, công ty đã thành lập Ban Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn; xây dựng phương án phòng chống bão lụt (PCBL) chi tiết và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bộ phận để tổ chức triển khai một cách hiệu quả nhất; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai tốt công tác PCBL, đặc biệt, chú trọng các lĩnh vực lưới điện, nhà làm việc, nhà kho, vật tư thiết bị thuộc quyền quản lý của đơn vị. Ban thường xuyên cập nhật thông tin và phối hợp chặt chẽ với các ban chỉ đạo PCBL trong, ngoài tỉnh để kịp thời thông báo và chỉ đạo các đơn vị chủ động đối phó, nhằm cung cấp điện an toàn và ổn định cho các phụ tải trong mùa mưa bão.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCBL, Công ty Điện lực tỉnh đã giao các bộ phận chuyên môn trực thuộc triển khai tích cực, cụ thể các phần việc liên quan. Theo đó, Phòng Điều độ tổ chức rà soát phương án cấp điện và sơ đồ kết dây; xây dựng phương án cung cấp điện liên tục, ổn định cho các khách hàng loại 1 gồm các phụ tải quan trọng như: UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCBL và tìm kiếm cứu nạn, đài PT-TH, bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương. Phòng kỹ thuật chỉ đạo các đơn vị tổ chức tổng kiểm tra, rà soát vị trí xung yếu, các cột điện ở triền dốc, cạnh bờ sông, đường dây mới đưa vào vận hành…
Ngoài ra, phòng còn hướng dẫn các đơn vị lập phương án xử lý thiệt hại do bão lũ để kịp thời cấp điện trong thời gian sớm nhất. Các phòng chuyên môn khác như Kế hoạch, Vật tư, Tài chính… chuẩn bị tốt các nội dung liên quan để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu khi có bão lũ xảy ra.
Để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra, Công ty Điện lực tỉnh và các điện lực trực thuộc đã chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư với hàng nghìn hạng mục, trị giá lên đến 6 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ký hợp đồng cung cấp vật tư cho các đơn vị. Khi xảy ra sự cố, ngoài những vật tư có sẵn, công ty sẽ điều động lượng vật tư này để kịp thời khắc phục hậu quả mưa bão.
Cùng với sự chuẩn bị của Công ty, các điện lực trực thuộc tổ chức rà soát công tác PCBL tại cơ sở và tiếp tục thực hiện các nội dung theo kế hoạch. Theo đó, các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm biến áp đảm bảo vận hành ATLĐ trong mùa mưa bão; dụng cụ sản xuất, đặc biệt là các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; gia cố các vị trí không đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm chỉnh quy trình, quy định về quản lý vận hành, sửa chữa hệ thống cáp quang của ngành; tổ chức phát quang hành lang ATLĐ; phối hợp địa phương tổ chức giải phóng các điểm vi phạm hành lang ATLĐ để hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra.
Theo ông Phan Anh - Trưởng phòng Thanh tra - An toàn Công ty Điện lực Hà Tĩnh, năm nay có thuận lợi là tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng hành lang ATLĐ nên các địa phương cũng đã vào cuộc, hiệu quả hơn các năm trước. Bên cạnh đó, theo cơ cấu tổ chức mới của điện lực, từ năm nay, các kỹ thuật viên an toàn chuyên trách tại các điện lực trực thuộc đều là nhân sự thuộc sự quản lý của Phòng Thanh tra - An toàn. Phòng giao đội ngũ này hàng tháng kiểm tra, rà soát các điểm tồn tại trên hành lang lưới điện, yêu cầu các điện lực khắc phục, đồng thời giám sát việc thực hiện. Nhờ vậy, việc khắc phục các tồn tại trên hệ thống triệt để hơn, góp phần đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định hơn trong mùa mưa bão.