Dòng sông Én đang ngày càng hẹp lại do việc lấn chiếm của người dân.
Việc lấn chiếm lòng sông Én đã và đang làm tăng rủi ro thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và bảo vệ bờ sông, đồng thời là một trong những nguyên nhân của tình trạng sạt lở tại hạ lưu con sông ở trên địa bàn các xã Tùng Lộc (Can Lộc) và Ích Hậu (Lộc Hà).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng lấn chiếm lòng sông đã xảy ra nhiều năm nay và vẫn chưa có giải pháp triệt để để ngăn chặn.
Ông Đặng Hồng (thôn Minh Tiến, xã Tùng Lộc) chia sẻ, ban đầu, chỉ có 1, 2 người đổ đất lấn sông để có thêm diện tích vườn, trách sạt lở, tuy nhiên về sau càng có nhiều người “nhân rộng” khiến dòng sông bị lấn ngày càng nhiều.
Thậm chí, có người ngang nhiên thuê xe đổ đất lấn sông với quy mô lớn. Còn bình thường, những người lấn sông thường dùng xe nhỏ, chở đất đá mua trôi nổi đổ thành nhiều đợt sau đó san ra để làm mặt bằng. Thời gian đổ đất và san gạt không xác định.
Ông Nguyễn Văn Tùng (người dân xã Ích Hậu, Lộc Hà) tỏ ra khá bức xúc: Dòng sông Én đoạn qua các thôn Minh Tiến, và Tài Năng của xã Tùng Lộc vốn khá thẳng và sâu, dòng nước chảy nhanh. Thế nhưng, những năm gần đây, sông bị một số người dân sống gần bờ lấn bờ khiến lòng sông ngày càng hẹp lại. Mỗi khi đến mùa lũ, do lòng sông hẹp, cùng với lượng bèo, rác nhiều nên ách tắc, gập ngập lụt tại vùng đất thuộc xã Ích Hậu chúng tôi.
Do việc lấn chiếm của người dân diễn ra âm ỉ trong thời gian dài nên chính quyền gặp khó khăn trong quản lý.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chỉ Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết, qua kiểm tra khu vực ven sông Én đoạn chảy qua địa bàn xã, chúng tôi phát hiện có gần 10 hộ gia đình có hành vi chở đất lấn bờ sông. Do người dân lấn dần dần, nghĩa là thực hiện trong thời gian dài, sử dụng phương tiện nhỏ vận chuyển đất về đổ trong thời gian không xác định nên chính quyền rất khó xử lý.
Nhận thấy việc lấn chiếm lòng sông khiến dòng chảy bị thay đổi và có thể để lại hậu quả lớn, những năm qua, chúng tôi đã tuyên truyền bà con nhân dân chấm dứt việc lấn chiếm lòng sông nhưng không có hiệu quả. Thậm chí, do tâm lý “so bì tị nạnh” một số hộ thực hiện đổ đất lấn sông với khối lượng lớn hơn.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã vận động, yêu cầu các hộ dân có hành vi lấn sông ký cam kết không tái diễn. Chúng tôi cũng đặt vấn đề, giao trách nhiệm cho cấp ủy thôn thường xuyên kiểm tra, phát hiện đồng thời cắt cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát sao hiện trạng. Nếu tiếp tục xảy ra tình trạng lấn chiếm, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có biện pháp cứng rắn hơn để xử lý triệt để.