Video: Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ nói về hiện trạng đập Khe Du
Đập Khe Du được xây dựng từ năm 1968, trên địa bàn xã Hương Thủy và Hương Giang (Hương Khê) với dung tích khoảng 0,32 triệu m3.
Theo thiết kế, đập có chức năng cung cấp nước tưới cho khoảng 40 ha đất sản xuất lúa trên địa bàn xã Hương Thuỷ và hàng chục ha diện tích đất trang trại ven đập. Tuy nhiên, thực tế, công trình này hiện chỉ đáp ứng tưới cho khoảng 15 ha đất sản xuất.
Do đây là công trình thô sơ, xây dựng chủ yếu bằng đất và hằng năm không được bảo dưỡng nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Van điều tiết của cống lấy nước hư hỏng hoàn toàn.
Ông Nguyễn Xuân Tình, người dân thôn 8 (xã Hương Thuỷ) bức xúc: do van điều tiết bị hỏng nên cống không thể xả nước. Nước luôn ở mức ngang với tràn xả lũ nên khi có mưa - dù nhỏ hay lớn - đều chảy qua tràn. Đáng nói, tràn xả lũ (dài 150m) nối tiếp với thân đập là con đường độc đạo để người dân đi ra khỏi làng. Bởi vậy, vào mỗi mùa mưa, việc đi lại của chúng tôi rất nguy hiểm.
Hiện nước đã xấp xỉ tràn xả lũ, chỉ cần một trận mưa là sẽ tràn và chia cắt hàng chục hộ dân sinh sống phía trong đập.
Chưa kể, do không điều tiết được nước nên khi người dân cần nước để sản xuất thì thiếu, còn khi cần ngắt nước vào mùa thu hoạch thì thừa. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến công tác sản xuất của người dân.
Nhiều điểm trên thân đập đã bị xói lở.
Ông Tình chia sẻ thêm, với mức độ xói lở như hiện nay, thân đập có nguy cơ bị vỡ rất cao. Bởi vậy, người dân rất mong mỏi các cấp sớm khắc phục, sữa chữa và nâng cấp thân đập để vừa phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo an toàn. Người dân sẵn sàng đóng góp thêm ngày công để thực hiện.
Một khu vực sạt lở khác dọc mái taluy âm.
Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, dọc theo mái taluy âm phía ngoài thân đập cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở do nước lũ gây ra khi chảy qua tràn. Theo thông tin từ UBND xã Hương Thuỷ, nhiều điểm trên đập Khe Du đã xảy ra tình trạng sạt lở, hoặc sụp. Chính quyền địa phương chỉ có thể tạm khắc phục bằng cách đổ thêm đất, đá để vá đường.
Chính quyền xã Hương Thuỷ chỉ có thể khắc phục tạm thời bằng việc gia cố đất đắp.
Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ Ngô Xuân Tân cho biết, Hương Thuỷ là xã thấp trũng. Mỗi mùa mưa lũ về, hàng chục hộ dân sinh sống phía trong đập Khe Du (13 hộ dân sống cố định và gần 10 hộ làm trang trại) thường xuyên bị chia cắt do đập xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do kinh phí của xã hạn hẹp nên không khắc phục được. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản báo cáo cấp trên đề nghị ưu tiên nguồn kinh phí sửa chữa công trình nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Toàn huyện Hương Khê có 64 hồ, đập nhỏ và vừa, trong đó có hàng chục công trình đang trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Hầu hết công trình do các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý; được xã viên và Nhân dân xây dựng từ những năm 1965 - 1980 nên chất lượng kỹ thuật không đồng bộ; quá trình quản lý, khai thác vận hành thiếu kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Các công trình thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lụt nên nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, một số hồ có nguy cơ mất an toàn và không có khả năng tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Có thể kể đến một số công trình như: hồ Khe Ruộng (xã Hương Đô); hồ Khe Cọi (xã Hà Linh); hồ Khe Trẹ (xã Phú Gia); hồ đập Tắt, đập Trâm (xã Hòa Hải); hồ Ông Đọn (xã Phúc Đồng)… |