Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dấu ấn đậm nét trong công tác khuyến học Hà Tĩnh nhiệm kỳ thứ IV (2015 - 2020) là đã thực hiện tốt 2 chức năng trọng yếu: khuyến học và xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 47 của BTV Tỉnh ủy.

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Dòng họ Phan Tùng Mai (xã Tùng Ảnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh) có 64 vị đỗ đạt cao, trong đó có 7 vị được khắc tên trên bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Văn Miếu Huế qua các triều đại. (Trong ảnh: Ông Phan Như Quý (áo trắng) tự hào giới thiệu truyền thống của dòng họ). Ảnh: PV

Những đóng góp của người làm khuyến học và toàn dân, các doanh nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục của tỉnh nhà.

Cùng với nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học đã tập trung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” và Bộ tiêu chí đánh giá, công nhận danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập; tham mưu BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 47 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Sau khi triển khai làm điểm tại 3 huyện, 36 xã, 226 thôn, 216 dòng họ và 1.156 gia đình, hội và ngành giáo dục đã phối hợp khảo sát phổ cập giáo dục gắn với khảo sát đại trà gia đình, dòng họ, cộng đồng để tham mưu giải pháp chỉ đạo sát đúng.

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Thư viện trung tâm học tập công đồng xã Thạch Châu (Lộc Hà) với hàng ngàn đầu sách, trở thành điểm đến đọc sách từ gần 20 năm nay của người dân nhiều lứa tuổi trên địa bàn. Ảnh: PV

Hằng năm, hội đã tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết để đánh giá, bổ cứu kịp thời những hạn chế trong tổ chức chỉ đạo. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ đạt các danh hiệu toàn tỉnh tăng (gia đình học tập 83,2%, dòng họ học tập 70%, cộng đồng thôn/tổ dân phố học tập 85%, đơn vị (cơ quan, trường học, doanh nghiệp) học tập 82%, “Cộng đồng học tập” cấp xã 78% - xếp thứ 15 các tỉnh, thành phố.

Về hoạt động khuyến học, khuyến tài, hội đã phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ giáo dục như phối hợp quản lý học sinh trên địa bàn dân cư; vận động hội viên và Nhân dân đóng góp tiền, vật liệu, ngày công xây dựng trường chuẩn, cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường sư phạm, sáp nhập trường, hiến đất làm trường học...

Cùng với Quỹ Khuyến học đất Hồng Lam, nhiệm kỳ qua, Tỉnh hội đã tham mưu thành lập thêm Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du. Hội đã trực tiếp đến các tổ chức, doanh nhân, nhà hảo tâm, nhất là hội đồng hương và con em xa quê ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác để vận động ủng hộ quỹ khuyến học.

Ngay tại đêm giao lưu nghệ thuật “Ươm mầm trí tuệ đất Hồng Lam”, hội đã vận động ủng hộ quỹ và xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học trên 37 tỷ đồng.

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Tĩnh Trần Thanh Bình trao học bổng Quỹ Khuyến học, khuyến tài Nguyễn Du cho giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong học tập và giảng dạy, sinh viên đạt điểm cao trong kỳ thi đại học năm học 2018-2019. Ảnh: PV

Trong nhiệm kỳ, hội đã huy động nguồn quỹ các cấp đạt 346,5 tỷ đồng, tăng 300% so với năm 2014. Bình quân quỹ trên nhân khẩu hơn 72 ngàn đồng, xếp thứ 15 tỉnh, thành trong cả nước.

Nhiều đơn vị có nguồn quỹ khuyến học tăng nhanh như quỹ cấp huyện Nghi Xuân trên 1,8 tỷ đồng. Xã Tùng Ảnh, Cẩm Thành, Cẩm Nhượng, Mai Phụ, Khánh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên), Gia Phố, Thạch Vĩnh (nay là xã Lưu Vĩnh Sơn) có số quỹ từ 300 - 700 triệu đồng. Dòng họ Nguyễn Tiến Sỹ (Nghi Xuân), họ Dương (Cẩm Hòa), họ Nguyễn (Cẩm Thành), họ Bùi (Bùi Xá)... có số dư quỹ từ 100 - 300 triệu đồng.

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Hiệp Hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Khuyến học Hà Tĩnh tổ chức lễ trao học bổng Trần Đình Trấp cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi trên địa bàn toàn huyện Can Lộc. Ảnh: PV

Đồng hành cùng Hội Khuyến học, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trực tiếp trao học bổng, thăm hỏi, tặng quà cho học sinh, sinh viên; ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Tiêu biểu như Quỹ “Học bổng Trần Đình Trấp” 10 tỷ đồng cho con em Hà Tĩnh; Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Đức 2,89 tỷ đồng; Bộ đội Biên phòng 1,957 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội 1,361 tỷ đồng; Cục Hải quan 1,208 tỷ đồng; Hội Liên hiệp Phụ nữ 1,559 tỷ đồng; Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trên 3 tỷ đồng; Hội Bảo trợ người tàn tật & Trẻ mồ côi 3,5 tỷ đồng; học bổng Bà giáo Hồng 4,2 tỷ đồng; học bổng Nguyễn Thị Cẩn (vợ liệt sỹ) hơn 1,5 tỷ đồng…

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh và lãnh đạo huyện Vũ Quang trao kỷ niệm chương cho những người đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài ở Vũ Quang tại Đại hội Hội Khuyến học - Cựu Giáo chức lần thứ V, nhiệm kỳ 2019 – 2024 của huyện. Ảnh: PV

Hội khuyến học các cấp cũng đã khuyến dạy, khuyến học, khuyến nghề, khuyến tài và cứu trợ cho 666.051 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên với tổng số tiền trên 284 tỷ đồng. Số lượng được khuyến dạy, khuyến học, khuyến tài năm 2019 so với năm 2014 tăng 290%, số tiền tăng 182 tỷ đồng.

Kết quả công tác khuyến học nhiệm kỳ qua đã góp phần khích lệ, động viên tinh thần vượt khó học tập, rèn luyện của con em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Hà Tĩnh liên tục nhiều năm là tốp đầu về giáo dục cả nước. Mạng lưới tổ chức hội được hình thành ở xã, thôn, cơ quan, đơn vị, trường học và 75% dòng họ. Tỷ lệ hội viên so với dân số 28,4%.

Dấu ấn một nhiệm kỳ bền bỉ tiếp lửa đất học Hà Tĩnh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Hồng Hải trao cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2014-2919 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho Hội Khuyến học Hà Tĩnh. Ảnh: PV

Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương đã khẳng định: “Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; trước hết là người đứng đầu…”. “Phải củng cố và phát triển tổ chức khuyến học trong các cộng đồng dân cư, cơ quan, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp… và trong các lực lượng vũ trang”.

Những người làm công tác khuyến học mong muốn cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kết luận số 49, sớm làm rõ mô hình tổ chức và tạo môi trường thuận lợi để hội làm tròn nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.