Đau đầu bài toán xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Đất chật, người đông, với 2.341 hộ và hơn 11.000 nhân khẩu sinh sống trên diện tích chưa đầy 1km2, mỗi ngày các khu dân cư ở xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) thải ra biển hàng trăm m3 nước thải sinh hoạt, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.

Đau đầu bài toán xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Hà Tĩnh

Nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp vào cống

Những ngày trở gió, nhiều người dân ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim phải chịu đựng mùi hôi thối từ nước thải sinh hoạt chảy qua kè chắn sóng ra bờ biển.

Ở những “bài tập kết” bất đắc dĩ này, cùng với nước đọng đen đặc, đóng váng là vô số rác bao bì, nhựa, xốp, bao bóng nổi lềnh phềnh. Theo người dân, nguyên nhân là do nguồn nước thải sinh hoạt trên địa bàn chưa qua xử lý đều đổ trực tiếp ra cống rồi tràn ra biển.

Việc xả nước sinh hoạt ra môi trường một cách “vô tội vạ” đã thành thói quen của người dân Thạch Kim từ lâu, nhưng vài năm nay ngày càng trở nên nghiêm trọng khi lượng nước xả thấm vào lòng đất đã quá tải.

Đau đầu bài toán xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Hà Tĩnh

...và cả ở kênh mương

Cùng với nước sinh hoạt của hơn 11 ngàn dân được xả thẳng ra biển, ở Thạch Kim còn có một lượng lớn nước thải của gần 20 kho đông lạnh, bến cá và nhiều cơ sở chế biến thủy hải sản trong khu dân cư.

Riêng thôn Long Hải có 7 kho cấp đông và 1 bến xe cá hoạt động, thu hút hàng trăm phương tiện đến giao dịch mua bán mỗi ngày. Một điều tất yếu là nước thải cũng tăng lên cùng với những hoạt động giao thương nói trên...

Mặc dù người dân trên địa bàn đều ý thức được hậu quả từ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của mình, tuy nhiên "nếu không xả thẳng ra môi trường thì chúng tôi biết xả vào đâu khi đất chật, người đông, không còn diện tích để xây dựng công trình xử lý nước thải”- chị Nguyễn Thị Oanh, người dân thôn Long Hải cho biết.

Đau đầu bài toán xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Hà Tĩnh

Những ao tù, nước đọng gây ô nhiễm môi trường trên bãi biển Thạch Kim

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại ở Thạch Kim mới chỉ có hệ thống xử lý nước thải của cụm công nghiệp Thạch Kim và hệ thống này chỉ có thể xử lý được lượng nước thải cho khu vực cụm. Chính vì thế, bài toán nước thải sinh hoạt ở Thạch Kim vẫn chưa tìm ra lời giải.

Anh Biện Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, những năm qua địa phương tập trung nguồn lực làm hệ thống giao thông gắn với làm đường và mương thoát nước, nhưng vẫn chưa đồng bộ nên không thể phát huy hiệu quả như mong muốn. Việc xây dựng các công trình xử lý nước thải cũng rất khó khăn khi quỹ đất không còn, vì vậy phần lớn các hộ dân đều đang xả nước thải ra ngoài biển”.

Đau đầu bài toán xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Hà Tĩnh

Nước thải và rác ứ đọng ngay dưới chân kè chắn sóng khu vực thôn Long Hải

Ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt ở Thạch Kim không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường biển khi khu vực này chỉ cách bãi biển du lịch Xuân Hải - điểm du lịch của huyện Lộc Hà chưa đầy 500m.

Chính quyền địa phương và người dân mong muốn các cấp chính quyền, ngành liên quan chung tay tìm lời giải cho bài toán khó về xử lý nước thải sinh hoạt ở xã vùng biển cửa Thạch Kim.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.