Đầu tư mở rộng mạng lưới, đảm bảo nước sạch cho người dân

(Baohatinh.vn) - Các công trình đầu tư, nâng cấp của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đang góp phần mở rộng mạng lưới nước sạch, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn.

9.jpg
Dự án Nhà máy nước Đá Bạc và mạng lưới đường ống, cấp nước sinh hoạt cho TX Hồng Lĩnh, vùng phụ cận được tập trung thi công.

TX Hồng Lĩnh là địa phương nhiều năm phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè. Để đảm bảo nhu cầu nước sạch cho người dân, tháng 8/2023, Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đã triển khai dự án Nhà máy nước Đá Bạc và mạng lưới đường ống, cấp nước sinh hoạt cho TX Hồng Lĩnh, vùng phụ cận với số vốn đầu tư 34 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Hải – Giám đốc Chi nhánh cấp nước Hồng Lĩnh (Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh) cho biết: "Chi nhánh hiện đang cung cấp nước sạch cho 23.000 khách hàng thuộc TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân và Can Lộc. Dự án khi đi vào hoạt động, cùng với 4 nhà máy nước khác thuộc chi nhánh sẽ không chỉ đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân mà còn đáp ứng cấp nước cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Công trình gồm các hạng mục như: cụm xử lý nước công suất 5.000 m³/ngày đêm, bể chứa 1.000 m³, đường ống lấy nước từ hồ Đá Bạc… Đến nay, tiến độ dự án đã đạt trên 90%, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5 này”.

8.jpg
Dự án Cải tạo nâng công suất đơn nguyên 1 - Nhà máy nước Kỳ Anh từ 9.000 m³/ngày đêm lên 13.000 m³/ngày đêm cơ bản hoàn thành khâu thi công.

Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các công trình công cộng, các khu, cụm công nghiệp tại TX Kỳ Anh, dự án Cải tạo nâng công suất đơn nguyên 1 - Nhà máy nước Kỳ Anh từ 9.000 m³/ngày đêm lên 13.000 m³/ngày đêm cũng đã được triển khai xây dựng từ tháng 8/2023. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10,8 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 4 này.

Tại Chi nhánh cấp nước Đức Thọ, với số lượng hơn 7.500 khách hàng, trong năm 2023, công suất nhà máy cũng được nâng từ 5.000 m³ lên 7.000 m³/ngày đêm. Cùng đó, cải tạo hệ thống lắng đứng bằng hệ thống lắng lamen.

Theo ông Đặng Hữu Trung – Giám đốc Chi nhánh cấp nước Đức Thọ, việc nâng công suất hệ thống cấp nước Đức Thọ sẽ đảm bảo đáp ứng việc cấp nước cho người dân khi mạng lưới khách hàng mở rộng. Dự kiến tới đây, chi nhánh sẽ cấp nước thêm cho một số thôn thuộc xã Tân Dân và xã Liên Minh với tổng số gần 2.000 khách hàng.

3.jpg
Năm 2023, công suất Nhà máy nước Đức Thọ được nâng từ 5.000 m³ lên 7.000 m³/ngày đêm.

Được biết, hiện nay Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh đang phục vụ hơn 108.000 khách hàng, công suất cấp nước thiết kế toàn công ty đạt 87.350 m³/ngày đêm. Kế hoạch năm 2024, công ty dự kiến đấu nối cho trên 6.000 hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo ông Võ Minh Huấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh, cùng với sự mở rộng đô thị và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, hàng năm công ty đã tập trung đầu tư nâng công suất, mở rộng phạm vi vùng cấp nước. Riêng năm 2023, công ty đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng. Trước nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ngày càng nhiều, công ty đang tiếp tục vay vốn đầu tư hơn 338 tỷ đồng (kế hoạch năm 2024 – 2025) để nâng công suất Nhà máy nước Cẩm Xuyên và hệ thống mạng lưới dịch vụ cấp nước trong toàn tỉnh; đặc biệt là “Dự án phát triển hệ thống cấp nước thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận đến năm 2030” (tổng mức đầu tư 241 tỷ đồng).

2.jpg
Các dự án đầu tư, nâng cấp sửa chữa góp phần mở rộng mạng lưới nước sạch, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và sản xuất kinh doanh.

Theo ông Huấn, khó khăn lớn nhất của công ty là giá bán nước sạch đã hơn 6 năm chưa được điều chỉnh, trong khi nguồn lực đầu tư các công trình để mở rộng mạng lưới cấp nước lớn, chi phí sản xuất tăng theo hằng năm nên nguồn thu từ sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được.

Tháng 12/2022, công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh cùng các sở, ngành thẩm định và phê duyệt điều chỉnh giá bán nước sạch. Đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định, Sở Tài chính trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, mức giá bán lẻ nước sạch bình quân của công ty đã được các ngành thẩm định từ 8.100 đồng/m³ lên 9.020 đồng/m³, tăng 11% sau hơn 6 năm. So với một số tỉnh có điều kiện tương đồng với Hà Tĩnh, mức giá các ngành đề xuất bằng 93% của tỉnh Nghệ An (áp dụng từ năm 2018), bằng 101% của tỉnh Quảng Bình (áp dụng từ năm 2021), bằng 90% của tỉnh Thanh Hoá (áp dụng từ năm 2018).

Để người dân ở những vùng chưa có nước sạch sớm tiếp cận được nguồn nước sạch thì việc điều chỉnh giá bán rất cần thiết để công ty bù đắp các chi phí hợp lý tăng thêm hàng năm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó công ty có điều kiện nâng cấp, cải tạo và đầu tư mở rộng phạm vi vùng cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Ông Võ Minh Huấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.