Hà Tĩnh vào tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công

(Baohatinh.vn) - Tính đến ngày 17/11, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt 74% kế hoạch. Với kết quả này, Hà Tĩnh lọt nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Báo Hà Tĩnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Lam - Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh xung quanh vấn đề này.

Hà Tĩnh vào tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công

Ông Nguyễn Hồng Lam - Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh

- PV: Xin ông cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đến nay đạt kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Lam: Tính đến ngày 17/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Hà Tĩnh đạt 74% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh giao (7.605 tỷ đồng/10.279 tỷ đồng). Với kết quả này, Hà Tĩnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước.

Nhìn vào con số tuyệt đối, chúng ta có thể thấy tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước (cả nước 55,8% - PV) đây là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số nguồn vốn, dự án đến nay giải ngân đạt tỷ lệ thấp, thậm chí có dự án chưa giải ngân được đồng nào.

Hà Tĩnh vào tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công

Công trình đường bờ kè sông Hội (thị trấn Cẩm Xuyên) là một trong những dự án có tỷ lệ giải ngân cao.

- PV: Vậy mục tiêu giải ngân đạt 100% kế hoạch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh năm 2021 này có đạt được trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Lam: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đến nay tuy cao hơn mặt bằng chung so với cả nước, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Trong bối cảnh còn chưa đầy 3 tháng để giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 (thời hạn giải ngân năm 2021 đến hết ngày 31/1/2022), để mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100% kế hoạch đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh là hết sức khó khăn, nếu không nói là rất khó thực hiện.

Về khách quan, 2021 là năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Dịch bệnh phức tạp, giá cả một số nguyên vật liệu leo thang đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ giải ngân chưa đạt kế hoạch đặt ra.

- PV: Ông có thể cho biết những nguyên nhân cụ thể khiến tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng?

Ông Nguyễn Hồng Lam: Từ thực tế triển khai thực hiện, chúng ta có thể chỉ ra một số nhóm nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB). Thông tin từ các chủ đầu tư, BQL dự án, rất nhiều dự án vướng mặt bằng nên thi công chậm tiến độ. Cá biệt, có dự án tạm ứng vốn cả năm nhưng không thể thi công do chưa bàn giao mặt bằng.

Hai là, hồ sơ thủ tục còn chậm. Rất nhiều dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, hạng mục mới còn chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư (chậm thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế - dự toán; chậm lựa chọn nhà thầu; chậm hợp đồng, thi công, chậm nghiệm thu công trình…). Ở đây có lý do khách quan là vướng cơ chế như: quy trình thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán hiện còn rườm rà, lắm thủ tục... Song, có nguyên nhân chủ quan nữa xuất phát từ năng lực, trách nhiệm của một số cơ quan liên quan. Thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị đầu tư của một số BQL dự án còn sơ sài, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, dẫn đến quá trình thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc từ phía nhà tài trợ nên làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.

Ba là, tình trạng dự án, công trình phải dừng lại điều chỉnh vẫn còn nhiều, xuất phát từ việc nhà thầu tư vấn còn sơ sài trong khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán; đơn vị thẩm tra, thẩm định chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến quá trình thực hiện phải tạm dừng để bổ sung, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian… Bên cạnh đó, một số đơn vị thi công năng lực chưa đáp ứng yêu cầu (máy móc thiết bị, năng lực tài chính, nhân lực không đáp ứng yêu cầu) làm chậm quá trình thi công gói thầu.

Thứ tư là kế hoạch vốn giao chưa sát nhu cầu, tiến độ thực hiện. Vẫn còn tình trạng có dự án chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư nhưng vẫn bố trí vốn lớn (hàng trăm tỷ đồng) nên không thể giải ngân; có dự án mới hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, chưa tổ chức đấu thầu nhưng bố trí vốn lớn nên không thể giải ngân hay giải ngân chậm tiến độ…

Hà Tĩnh vào tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công

Nhà thầu tập trung triển khai các hạng mục dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh. (Ảnh Thanh Hoài)

- PV: Từ bài học và kinh nghiệm trong giải ngân năm 2021, theo ông, cần có những biện pháp gì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2021 và năm 2022?

Ông Nguyễn Hồng Lam: Trước hết, phải làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, hạn chế thấp nhất các vướng mắc trong giai đoạn thực hiện dự án. Các sở, ngành cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong khâu thẩm định, chấp hành nghiêm túc thủ tục, thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở… theo đúng quy định của Chính phủ và UBND tỉnh.

Vấn đề tiếp theo là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL dự án trong quản lý dự án. Chủ đầu tư phải thường xuyên rà soát, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân vốn các dự án do mình quản lý cho UBND tỉnh; nắm chắc tiến độ thực hiện, nguyên nhân chậm thực hiện và chậm giải ngân; đề xuất các biện pháp cụ thể để tỉnh có chỉ đạo kịp thời. Khi có khối lượng hoàn thành, trong vòng 4 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ nghiệm thu phải gửi ngay hồ sơ đến KBNN để giải ngân vốn, không dồn vào cuối tháng, cuối năm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Tiếp đến, phải làm tốt khâu kế hoạch vốn. Kế hoạch vốn phải giao sớm, đúng thời hạn và đúng đối tượng theo của Luật Đầu tư công. Thường xuyên rà soát để điều chỉnh kế hoạch, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án hay từ các chủ đầu tư có dự án chậm thực hiện sang các dự án triển khai đúng tiến độ hay vượt tiến độ nhưng còn thiếu vốn.

Hà Tĩnh vào tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân cao vốn đầu tư công

Công trường thi công đường ven biển Hà Tĩnh đoạn qua huyện Kỳ Anh. Ảnh tư liệu

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác GPMB, giao trách nhiệm và gắn với kỷ luật, kỷ cương đối với các địa phương trong GPMB để triển khai các dự án trên địa bàn. Về lâu dài, cần nghiên cứu để công tác GPMB luôn đi trước một bước (tách GPMB ra khỏi dự án, hình thành các dự án GPMB độc lập…) theo đúng định hướng của Bộ KH&ĐT. Như vậy, sẽ phân định rõ được trách nhiệm của các cấp liên quan đối với công tác GPMB, giảm áp lực cho chủ đầu tư và dễ dàng quy trách nhiệm, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Không tạm ứng vốn trước để thi công đối với các dự án chưa có mặt bằng, như vậy sẽ hạn chế tối đa việc “vốn chờ công trình”.

Cuối cùng, cần theo dõi và công khai nhà thầu tư vấn năng lực yếu, có nhiều sai sót trong khâu hồ sơ khảo sát thiết kế, nhà thầu xây lắp chậm thi công, có vi phạm hợp đồng để kiên quyết loại bỏ. Tỉnh cần giao chỉ tiêu thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cho các chủ đầu tư, BQL dự án; gắn công tác giải ngân với công tác thi đua; xem xét đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đối với các chủ đầu tư giải ngân đạt thấp.

(thực hiện)

Chủ đề Đầu tư công

Đọc thêm

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Xuất nhập khẩu qua Cầu Treo chưa hết khó!

Trong bối cảnh xuất nhập khẩu giảm, ngay đầu năm 2025, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn – Hà Tĩnh) đã nỗ lực khơi thông dòng chảy hàng hóa để thu ngân sách.
Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Hải sản đầy kho phục vụ thị trường tết

Xác định dịp cuối năm âm lịch là mùa “ăn nên làm ra” nên thời điểm này, các cơ sở chế biến hải sản ở Hà Tĩnh tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Ngắm những chậu lan "khủng" đón Tết Ất Tỵ ở Hà Tĩnh

Những chậu hoa lan hồ điệp Đà Lạt có giá từ vài triệu đồng đến hơn trăm triệu đồng được các nghệ nhân thiết kế, sáng tạo với kích thước "khủng", đa dạng nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.