Kè biển sập đổ...!
Tuyến kè biển của huyện Lộc Hà bắt đầu từ Cảng cá Thạch Kim nối dài đến hết xã Thịnh Lộc, với tổng chiều dài 11,2 km. Từ nhiều năm nay, do ảnh hưởng của bão tố, xói mòn của thời gian... nên tuyến đê này đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển khi có bão.
Cống đồng muối Thạch Châu bị nước cuốn trôi
Đặc biệt, sau cơn bão số 10, nhiều đoạn kè biển chắn sóng đi qua xã Thạch Kim đã bị sập hoàn toàn với chiều dài gần 400m. Sự cố này đã khiến hàng ngàn m3 bùn, rác... tấp đầy nhà dân, chợ..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân; huyện đã huy động hàng ngàn ngày công để dọn dẹp số rác bẩn này.
Có điều lạ là từ bao năm nay, ở vị trí “nối” hai đầu tuyến kè nhưng chính quyền và người dân xã Thạch Bằng chẳng hiểu vì sao địa phương mình lại không có kè biển chắn sóng! “Đoạn không kè này dài khoảng 2 km, nằm trên địa bàn 4 thôn (Xuân Hòa, Phú Nghĩa, Trung Nghĩa, Phú Mậu). Do không có kè chắn sóng nên khi gió mạnh, triều cường, khoảng 150 hộ dân nơi đây phải chịu cảnh “đất lở, nước ngập...!” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng Trần Văn Hiếu cho biết.
Đê sông nước cuốn
Với địa hình được bao bọc bởi đê và kè, cuộc sống “vui, buồn” của người dân Lộc Hà gần như phụ thuộc vào hệ thống che chắn này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chưa bao giờ người dân nơi đây yên tâm mỗi khi nghe tin bão lũ, sóng cuồng!
Theo UBND huyện Lộc Hà, tuyến đê sông Tả Nghèn bao bọc từ xã Ích Hậu đến Thạch Kim, với tổng chiều dài 33,7 km. Tuyến đê được nâng cấp từ những năm 1960 và tiếp tục được nâng cấp, kiên cố hàng năm qua các dự án 4617 và ADB, chương trình nâng cấp đê sông, đê biển của Chính phủ…
Đê bao khu nuôi trồng thủy sản xã Thạch Bằng bị nước cuốn trôi hàng trăm mét.
Từ năm 2008 đến nay, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, UBND tỉnh và các ngành cấp tỉnh, hệ thống đê sông huyện Lộc Hà đã được Bộ NN&PTNT thỏa thuận về kỹ thuật và UBND tỉnh phê duyệt 3 dự án, gồm từ xã Phù Lưu đến Thịnh Lộc. Đến nay, tuyến đê này đã được kiên cố 24,2 km, trong đó 14,5 km chưa kiên cố mặt đê.
Tuy nhiên, có thể do thiếu kinh phí nên đoạn đê sông tại địa bàn các xã Hộ Độ, Thạch Bằng chưa được nâng cấp kiên cố. Bởi vậy, hễ có mưa to, gió lớn là nhiều điểm tại 2 xã này lại phải chịu cảnh ngập lụt, triều cường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Do thiếu đồng bộ, xuống cấp kéo dài, tuyến đê sông ở các xã Thạch Châu, Thạch Bằng, Hộ Độ đã bị đứt, vỡ nhiều đoạn trong bão số 10, gây ngập nghiêm trọng và làm tổn thất lớn về NTTS của người dân... Cụ thể: Đê và cống kho muối xã Thạch Châu bị đứt hoàn toàn 50m và 1 cống khẩu độ 1,5m bị trôi; tuyến đê biển, đê cửa sông kết hợp giao thông dọc bờ biển huyện Lộc Hà bị bong, xô, sụt lún mặt đê, với diện tích 2.250 m2; đê bao NTTS xã Thạch Bằng bị sạt lở nặng, cuốn trôi thân đê dài 150m...
Vỡ đê, vỡ kè, nhiều đồng muối nước ra vào theo thủy triều
Đi dọc đê bao vùng NTTS thâm canh rộng 23 ha của xã Thạch Bằng sau nhiều tháng bão số 10 đi qua vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng... Bầu không khí im ắng vẫn bao trùm đến nhói lòng. Một vùng NTTS trù phú, nhộn nhịp bỗng chốc trôi theo con nước. Hiện vẫn chưa có bất kỳ một hoạt động nào nhằm khôi phục sản xuất, nuôi trồng, bởi hệ thống đê bao ở đây đã trở nên vô hiệu. Đê, cống bị nước cuốn phăng từng đoạn dài trên trăm mét, hoẳm sâu 4-5m, nham nhở đá... Nước trong đê, ngoài đê thông, lên xuống theo thủy triều... “Chúng tôi đã kiệt sức, trắng tay. Giờ chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước để đắp lại đê, lắp lại cống thì may ra mới tiếp tục cải tạo ao hồ, xuống giống...”, ông Thanh - một hộ nuôi ở đây, mắt ngấn lệ, nói.
Không chỉ ông Thanh, nhiều hộ dân NTTS, làm muối... tại Hộ Độ, Thạch Châu, Thạch Bằng, Thạch Kim mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều bày tỏ mong muốn được chính quyền các cấp bố trí kinh phí nâng cấp, làm mới những điểm hư hỏng, nước cuốn trôi... để kịp tổ chức sản xuất vụ đầu năm 2018, ổn định cuộc sống.