Đến năm 2030, Hà Tĩnh dự kiến có 13 bến cảng hiện đại

(Baohatinh.vn) - Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo cơ sở quản lý, thu hút, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế Hà Tĩnh.

Cụm cảng biển hiện đại, đa chức năng

Tại Quyết định số 977/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Tĩnh sẽ có 13 bến cảng gồm 36 - 44 cầu cảng.

Theo quy hoạch, cảng biển Hà Tĩnh gồm khu bến Vũng Áng; khu bến Sơn Dương; bến cảng Xuân Hải, Xuân Phổ (nay thuộc xã Đan Hải); bến cảng Cửa Sót; bến cảng xăng dầu Xuân Giang (nay thuộc xã Nghi Xuân); các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 46,3 triệu tấn đến 83,5 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,1 triệu TEU đến 0,14 triệu TEU). Về kết cấu hạ tầng, có tổng số 13 bến cảng gồm 36 - 44 cầu cảng với tổng chiều dài từ 7.509 m đến 9.653 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).

Tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 3,6%/năm đến 4,5%/năm và tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, khu bến Vũng Áng có quy mô 7 bến cảng (gồm 12 cầu cảng) với tổng chiều dài 3.216 m, thông qua từ 13,75 triệu tấn đến 18,5 triệu tấn hàng hóa.

Trong đó, bến cảng Vũng Áng có 6 cầu cảng, tiếp nhận tàu tổng hợp đến 70.000 tấn và tàu container đến 4.000 TEU. Bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có 2 cầu cảng; bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 có 1 cầu cảng tổng hợp; Bến cảng xăng dầu LPG Vũng Áng: 2 cầu cảng hàng lỏng/khí và bến cảng chuyên dùng có 1 cầu cảng hàng lỏng.

Khu bến Sơn Dương có quy mô lớn nhất, thông qua từ 31 - 63,5 triệu tấn hàng hóa. Khu bến này được quy hoạch 3 bến cảng với 20 - 28 cầu cảng; trong đó khu bến Sơn Dương – khu bến Formosa có 18 - 25 cầu cảng phục vụ hàng tổng hợp, hàng rời, tiếp nhận tàu trọng tải đến 300.000 tấn…

Bến cảng Xuân Hải, Xuân Phổ (nay thuộc xã Đan Hải) gồm 2 bến cảng với 3 cầu cảng, tiếp nhận tàu đến 2.000 tấn. Bến cảng xăng dầu Xuân Giang (nay thuộc xã Nghi Xuân) có 1 cầu cảng hàng lỏng dài 100 m. Bến cảng Cửa Sót là bến hàng rời (tiềm năng), phục vụ công nghiệp khai khoáng.

Ngoài ra, các bến phao, khu neo chờ, khu chuyển tải, khu tránh, trú bão được xác định vị trí ngoài khơi khu bến Vũng Áng và các khu vực khác đủ điều kiện.

Những dự án nào được ưu tiên đầu tư?

Theo quy hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 242 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 29.536 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 14.017 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 1.727 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 12.290 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Các dự án ưu tiên đầu tư gồm: Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 tấn và hệ thống đê chắn sóng (giai đoạn 2); kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo chờ tránh, trú bão, hệ thống giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS); đầu tư xây dựng bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và các bến cảng tại khu bến Vũng Áng, Sơn Dương.

Giải pháp về huy động vốn đầu tư được đưa ra là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói