Liên hợp quốc: Nhu cầu cứu trợ nhân đạo sẽ tăng mạnh trong năm 2022

Theo báo cáo của LHQ, để cứu trợ cho 183 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở 63 quốc gia trong năm 2022 sẽ cần tới 41 tỷ USD so với mức yêu cầu 35 tỷ trong năm 2021 và tăng gấp đôi so với 4 năm trước.

Liên hợp quốc: Nhu cầu cứu trợ nhân đạo sẽ tăng mạnh trong năm 2022

Người dân nhận lương thực cứu trợ tại tỉnh Hajjah, Yemen, ngày 12/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ngày 2/12 đã công bố báo cáo Tổng kết cứu trợ nhân đạo toàn cầu, cảnh báo nhu cầu cứu trợ nhân đạo đang tăng mạnh trên toàn thế giới, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành trong khi biến đổi khí hậu và xung đột đẩy thêm nhiều người đến bên bờ vực đói nghèo.

Báo cáo ước tính có khoảng 274 triệu người trên toàn thế giới sẽ cần được hỗ trợ khẩn cấp dưới hình thức nào đó trong năm 2022, tăng 17% so với năm 2021, vốn đã là năm có số người cần cứu trợ cao kỷ lục.

Điều này có nghĩa là cứ 29 người thì có 1 người sẽ cần được hỗ trợ trong năm 2022, tăng mạnh 250% so với năm 2015, khi tỷ lệ người cần hỗ trợ là 1/95.

Giám đốc OCHA, ông Martin Griffiths nhấn mạnh số người cần cứu trợ chưa bao giờ cao như vậy, và việc hỗ trợ những người này trong thời gian dài là điều không thể nhưng vẫn cần phải duy trì.

Theo báo cáo, để cứu trợ cho 183 triệu người dễ bị tổn thương nhất ở 63 quốc gia trong năm 2022 sẽ cần 41 tỷ USD, tăng so với mức yêu cầu 35 tỷ trong năm 2021 và tăng gấp đôi so với 4 năm trước đó.

Đại dịch COVID-19 kéo dài cùng với thiên tai và biến đổi khí hậu đã làm gia tăng việc di cư và nhu cầu nhân đạo.

Đại dịch cùng với các biện pháp hạn chế để phòng dịch đã đẩy thêm khoảng 20 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực.

Dịch bệnh cũng khiến hệ thống y tế trên thế giới rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc xét nghiệm HIV, lao, sốt rét giảm 43%, và 23 triệu trẻ em trên thế giới lỡ cơ hội tiêm các loại vaccine cơ bản trong năm 2021.

Cùng lúc, biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra thường xuyên hơn. Dự báo, đến năm 2050, khoảng 216 triệu người có thể bị buộc phải chuyển đi khu vực khác trong nước do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang góp phần gia tăng nạn đói và mất an ninh lương thực, với 45 triệu người tại 43 nước trên toàn thế giới có nguy cơ đói ăn.

Báo cáo nhấn mạnh hiện trên toàn thế giới có 811 triệu người thiếu dinh dưỡng và nếu không có hành động ngay lập tức và liên tục, năm 2022 có thể là năm thảm họa.

Các cuộc xung đột cũng gây thiệt hại lớn tại một số nước. Nhu cầu cứu trợ tăng mạnh tại Afghanistan, nơi tình hình khủng hoảng ngày càng trầm trọng kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền hồi tháng Tám trong khi các nguồn viện trợ quốc tế bị gián đoạn.

Hơn 24 triệu người, tương đương 65% dân số Afghanistan, cần cứu trợ, trong đó khoảng 9 triệu người có thể rơi vào cảnh đói.

Báo cáo yêu cầu hỗ trợ 4,5 tỷ USD để giúp 22 triệu người dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan trong năm 2022, tăng gấp 3 lần so với yêu cầu đưa ra một năm trước.

Báo cáo cũng kêu gọi hỗ trợ nhiều tỷ USD để giúp hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột kéo dài tại Syria và Yemen, đặc biệt là tại Ethiopia, nơi hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột .

Báo cáo ước tính tại Ethiopia có 26 triệu người cần cứu trợ nhân đạo, trong đó có 400.000 người bên bờ vực nạn đói.

Mặc dù tình hình đáng báo động, nhưng ông Griffith nhấn mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo thường giúp giảm nhẹ hậu quả tồi tệ nhất của các cuộc khủng hoảng.

Năm 2020, OCHA đã cung cấp cứu trợ cho khoảng 107 triệu người, chiếm 70% số người cần cứu trợ, trong đó khoảng một nửa triệu người tại Nam Sudan đã được cứu khỏi nạn đói.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast