Chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức khảo sát và làm việc tại một số cơ quan, đơn vị để có cơ sở tham gia góp ý vào thảo luận xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đinh Văn Hồng chủ trì.
Luật Công chứng 2014 được thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 9 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, hoạt động công chứng đã có nhiều bước tiến mới. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Do đó, việc sửa đổi Luật Công chứng là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng.
Sau hơn 9 năm thi hành Luật Công chứng 2014, hoạt động công chứng tại Hà Tĩnh phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, cá nhân; đảm bảo tính pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; góp phần tạo lập môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho các giao dịch dân sự; bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia hợp đồng, giao dịch và sự phát triển KT-XH.
Hội Công chứng viên Hà Tĩnh hiện có 23 hội viên hoạt động trong 12 tổ chức hành nghề công chứng. Năm 2023, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện hơn 57.000 việc công chứng, hơn 84.000 việc chứng thực, thu phí công chứng hơn 22 tỷ đồng, thu phí chứng thực hơn 400 triệu đồng.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 85 điều quy định về: Công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng; hành nghề công chứng; thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; thủ tục công chứng một số hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc; hệ thống thông tin công chứng, cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc, lưu giữ hồ sơ công chứng...
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung nêu trong dự thảo luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đã đề xuất các ý kiến nhằm phát huy tính hiệu quả của dự thảo luật khi áp dụng vào thực tiễn.
Đối với việc thực hiện các quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch theo quy định pháp luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để sửa đổi phù hợp thực tiễn, tránh thiệt hại cho người dân khi xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà.
Dự thảo luật cần xem xét để tháo gỡ khó khăn trên lĩnh vực cơ sở dữ liệu công chứng, lưu trữ hồ sơ công chứng; phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng và chi phí khác; việc quản lý nhà nước về công chứng...
Ngoài ra, đại biểu cũng tham gia đóng góp ý kiến cụ thể liên quan đến quy định về giảm thời gian đào tạo nghề công chứng (Điều 9); thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản (Điều 41); sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng (Điều 49); xuất trình bản sao có chứng thực của giấy tờ tuỳ thân (Điều 39).
Một số ý kiến cho rằng, tại khoản 1, Điều 36 cần sửa lại là công chứng viên phải đeo thẻ công chứng viên khi hành nghề hoặc là xuất trình thẻ khi có yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền; bỏ quy định đối với việc có thể xuất trình bản sao có chứng thực đối với giấy tờ tùy thân đối với khoản 7, Điều 39; nghiên cứu sửa đổi khoản 3, Điều 54 vì có thể gây nhiều khó khăn cho người yêu cầu công chứng khi tham gia vào các hợp đồng giao dịch; nghiên cứu bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 56 để giảm bớt thủ tục và chi phí cho người dân...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao các ý kiến chất lượng của đại biểu. Các ý kiến góp ý sát thực tiễn, chất lượng cao, thảo luận kỹ các nội dụng của dự án luật. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu, đối chiếu thực tiễn để góp ý vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Những ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 7