Doanh nghiệp xuất khẩu áp lực vì cước vận tải biển tăng vọt

(Baohatinh.vn) - Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Tĩnh đang phải đối mặt với khó khăn do giá cước vận tải biển tăng mạnh làm “đội” chi phí sản xuất.

32.jpg
Giá cước vận tải biển tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho Công ty CP Sao Mai.

Công ty CP Sao Mai (CCN Bắc Cẩm Xuyên) là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì và xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan… qua đường biển. Hiện nay, giá cước vận tải biển tăng cao đến 2 - 3 lần khiến doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực lớn.

Ông Hoàng Anh Sáng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty CP Sao Mai cho biết: "Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu 1,2 triệu vỏ bao với 5 chuyến container. Trong gần 2 tháng qua, cước phí vận tải biển tăng chóng mặt, có những chuyến trước đây chỉ chưa đến 250 USD/container thì nay đã vượt 500 USD/container. Dự báo tình hình trong tháng 7 tới, giá cước vận tải biển còn tăng cao. Điều này sẽ gây khó cho doanh nghiệp bởi giá sản phẩm hàng hóa không tăng, trong khi cả giá cước vận chuyển và giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, chi phí đội lên rất lớn. Nếu chi phí vượt quá mức cho phép, doanh nghiệp phải tính đến phương án phải “kìm” đơn hàng".

1.jpg
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi cước phí vận tải biển tăng cao.

Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi Malaysia, Philippines…, Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh (Thạch Hà) cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi cước phí vận tải biển tăng cao.

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cho hay: “Giá cước vận tải biển bắt đầu tăng từ đầu năm 2024, khi xảy ra khủng hoảng hàng hải ở vùng Biển Đỏ, đến nay đã tăng hơn 3 lần so với năm trước và chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Giá cước vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp phải gánh một khoản phí vận chuyển rất lớn, trong khi với các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước, giá sản phẩm không thể tăng nên doanh nghiệp chấp nhận phải chịu lỗ. Không chỉ vậy, sản lượng xuất khẩu cũng bị giảm mạnh”.

Theo nhận định của các chủ doanh nghiệp, từ đầu năm 2024 đến nay, căng thẳng vùng Biển Đỏ đã làm ảnh hưởng đến các luồng, tuyến vận tải biển quốc tế, giá cước vận tải đường biển toàn cầu tăng mạnh. Cùng đó, việc chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ đang đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu trước thời gian này. Do đó, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn cho các hãng tàu nên lượng tàu đổ về đây rất lớn khiến các tuyến vận tải khác bị đẩy giá cước lên cao.

87.jpg
Ngoại trừ doanh nghiệp may gia công (phía đối tác khách hàng chịu chi phí vận chuyển), các doanh nghiệp xuất khẩu tại Hà Tĩnh đang gặp khó do cước vận tải biển tăng. Trong ảnh: Hoạt động may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May xuất khẩu MTV.

Các chủ doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, hiện nay, cước phí vận tải biển nhiều tuyến đã tăng đến 2 – 3 lần so với năm 2023. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước nên doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn, thậm chí phải chịu lỗ để giữ mối hàng. Nếu cước vận tải biển tiếp tục tăng sẽ còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa và gây áp lực cho doanh nghiệp. Trước bối cảnh này, rất có thể nhiều doanh nghiệp buộc phải tính toán bài toán chi phí, giảm sản lượng hàng xuất khẩu.

Ông Phan Trí Nghĩa – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bao bì Sông La Xanh (CCN Đức Thọ) thông tin: Khoảng 70% hàng hóa bao bì của công ty xuất khẩu đi các nước châu Á, phần còn lại tiêu thụ thị trường nội địa. Tính trung bình, mỗi tháng chúng tôi xuất 12 – 13 container hàng đi theo đường biển từ cảng Hải Phòng đi các nước. Khoảng 2 tháng gần đây, giá cước vận tải biển tăng cao khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đẩy lên. Nếu tình hình cước phí còn tăng sẽ tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

9.jpg
Khoảng 70% hàng hóa bao bì của Công ty CP Bao bì Sông La Xanh xuất khẩu đi các nước châu Á.

Theo ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương, doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh đang phải chịu tác động chung của doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn cầu từ việc cước phí vận tải biển tăng mạnh trong nhiều tháng nay. Đối với một số doanh nghiệp may gia công, do đơn vị đối tác đặt hàng chịu chi phí vận chuyển nên không ảnh hưởng, còn các doanh nghiệp khác đều bị tăng phí vận chuyển làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, giá cước vận tải tăng làm ảnh hưởng tăng giá nhập khẩu nguyên liệu, càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, lo ngại khi giá xuất khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, làm giảm khoảng 10-20% kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 2): Khơi thông các dòng vốn, giải phóng nguồn lực

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 2): Khơi thông các dòng vốn, giải phóng nguồn lực

Thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kích hoạt các dòng vốn chảy vào nền kinh tế, thu hút dự án đầu tư mới… là những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục được Hà Tĩnh tập trung triển khai. Đây được xem là những bước đi quan trọng nhằm giải phóng nguồn lực, thúc đẩy các động lực nội tại để về đích mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8% trong năm 2025.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Lực đẩy nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Lực đẩy nào cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa có những lực đẩy đủ lớn để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 1): Kỳ vọng sức bật ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm

Mục tiêu tăng trưởng từ 8% (bài 1): Kỳ vọng sức bật ở các lĩnh vực kinh tế trọng điểm

Bài toán để các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, tM-DV và nông nghiệp tăng thêm điểm phần trăm về tăng trưởng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng chung cả năm từ 8% được các cấp, ngành tập trung tìm lời giải với phương châm đổi mới, đột phá, sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.
Mỹ phẩm ngoại không có nhãn phụ tiếng Việt

Nhan nhản mỹ phẩm ngoại không có nhãn phụ tiếng Việt

Không ít cơ sở kinh doanh mỹ phẩm ở TP Hà Tĩnh bày bán sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, khiến người tiêu dùng gặp khó trong xác định thông tin về thành phần, công dụng và hạn sử dụng.