Với diện tích hơn 500 m2 sân trường rợp bóng cây xanh, cùng sự sáng tạo của các thầy cô giáo, “Góc giáo dục địa phương” của Trường Tiểu học Thạch Đài đã hoàn thành vào tháng 3/2022.
Cô Trần Thị Dung Huế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xuất phát từ mong muốn khơi dậy niềm yêu thích, hứng thú đối với môn học Giáo dục địa phương và tạo không gian trải nghiệm thực tế bổ ích cho học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã lên ý tưởng xây dựng mô hình “Góc giáo dục địa phương” ngay khuôn viên trường. Mô hình nhận được sự đồng tình, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên và phụ huynh nên nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Đến với “Góc giáo dục địa phương”, các bạn học sinh được tìm hiểu về các làng nghề, sản phẩm truyền thống của quê hương Hà Tĩnh. Trong ảnh: Em Bùi Thị Thanh Nhân - học sinh lớp 5B tự tin thuyết trình về những làng nghề, sản phẩm truyền thống của các địa phương được trưng bày trong không gian trải nghiệm.
Mỗi gian trưng bày sản phẩm truyền thống đều được thiết kế từ các vật liệu thông dụng, sẵn có như tre nứa, lá cọ... và thu hút sự khám phá của người xem bằng những câu thơ, ca dao đặc trưng của mỗi vùng miền.
Từ làng nghề chiếu Nam Sơn (thị trấn Nghèn - Can Lộc)...
...tơi Can Lộc...
... cho đến rèn Trung Lương (TX Hồng Lĩnh) đều được tái hiện rất sinh động dưới bàn tay khéo léo của các thầy cô giáo.
Nếu như các bạn nam hào hứng với gian trưng bày sản phẩm đan lát mây tre...
...thì các bạn nữ lại yêu thích khám phá...
...và làm duyên với chiếc nón lá Ba Giang truyền thống (xã Việt Tiến - Thạch Hà).
Gian trưng bày “Sản phẩm OCOP” là nơi hiện diện các sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng của nông thôn mới huyện Thạch Hà như: gạo Ngọc Mầm, yến sào Xứ Nghệ, gạo lứt (Thạch Đài), nấm Linh Chi (Thạch Xuân), ruốc Thạch Hải, bánh ram Tân Lâm Hương, cam Ngọc Sơn, dưa lưới Bắc Sơn…
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh cũng được trưng bày, đưa vào giáo dục như: cu đơ Cầu Phủ (TP Hà Tĩnh), nước mắm Luận Nghiệp (huyện Kỳ Anh), cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch (Hương Khê), mật ong Vũ Quang...
Đây là không gian mà các bạn nhỏ có thể tìm hiểu về quy trình chế biến, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của từng vùng miền.
Ngoài các góc trưng bày sản phẩm truyền thống là những hình ảnh về các địa danh lịch sử, văn hóa, địa điểm du lịch, lễ hội... tiêu biểu của Hà Tĩnh.
“Góc giáo dục địa phương” của Trường Tiểu học Thạch Đài là mô hình mới mẻ, sáng tạo, góp phần giáo dục học sinh tình yêu, niềm tự hào với văn hóa truyền thống của quê hương. Mô hình đã được một số trường bạn tham quan, học tập kinh nghiệm.
Bên cạnh “Góc giáo dục địa phương”, nhà trường còn xây dựng mô hình “Thư viện xanh” - là nơi khuyến khích và phát triển văn hóa đọc của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.
Sau khi đọc và tìm hiểu những cuốn sách hay tại thư viện, các bạn học sinh sẽ viết cảm nhận của mình để chia sẻ cùng bạn bè nhằm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, nhân văn.
Em Trương Quang Nhật (Lớp 4B) chia sẻ: “Góc giáo dục địa phương” và “Thư viện xanh” là nơi vui chơi, học tập rất lý thú, bổ ích nên dù đang là thời gian nghỉ hè, em và các bạn vẫn thường xuyên đến trường để vừa trải nghiệm, vừa đọc sách".