Nhưng sự kiện này nhắc nhở cộng đồng quốc tế về nhu cầu cấp thiết trong việc tìm một giải pháp sau cùng cho khu vực trước khi quá muộn.
Hôm 15-4, sau Mỹ và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hàng loạt đồng minh của Israel ở châu Âu đã kêu gọi , tránh leo thang căng thẳng. Đây là sức ép chính trị cần thiết để giảm thiểu khả năng Israel phản ứng tới mức nổ ra chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. Và tin tốt là rất có thể Israel sẽ chấp nhận kiềm chế.
Israel hiểu rằng chiến dịch Dải Gaza vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bằng việc tránh sa vào cuộc chiến trên nhiều mặt trận, Israel vừa dồn sức đối đầu với Hamas vừa có thể tận dụng sự kiện Iran tấn công để giải tỏa áp lực bị chính các đồng minh cô lập do vấn đề nhân đạo ở Gaza.
Báo chí Mỹ đã liên tục xoáy vào cái gọi là "sai lầm chiến lược" của Iran khi tấn công Israel. Vô tình hay hữu ý, đây có thể là cách Israel cảm giác chiến thắng mà không cần làm điều gì chấn động tiếp theo.
Tương tự, Iran đã tỏ ra cẩn trọng với lập luận về điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cũng như tuyên bố đã hành xử rất chuyên nghiệp khi thực hiện vụ tấn công. Tehran cũng nhấn mạnh việc trả đũa đã "kết thúc", ngụ ý có thể tạm kết cho loạt căng thẳng liên quan tới nghi án Israel tấn công tòa nhà ngoại giao Iran ở Syria vừa qua. Đó có thể được xem là cái kết đẹp vì Iran đã "dạy cho Israel một bài học", theo lời Tổng thống Ebrahim Raisi.
Thoạt nhìn, màn "ăn miếng trả miếng" trên khiến tất cả đều hài lòng và tự tin tuyên bố "chiến thắng".
Lý thuyết cũng cho thấy cả lãnh đạo Israel và Iran đều có thể gia tăng sự ủng hộ trong nước một khi xảy ra xung đột với nước ngoài. Đó là lý do nhiều ý kiến nghiêng theo hướng các bên bằng cách nào đó thống nhất hành động một cách có kiềm chế, và Trung Đông về cơ bản tạm yên bình. Tuy nhiên, họ dường như bỏ qua những chi tiết quan trọng.
Vụ tấn công ngày 14-4 là lần đầu tiên có một cuộc không kích từ Iran thực hiện trực tiếp vào Israel. Đó cũng là lần đầu tiên sau 33 nămxungị một quốc gia khác tấn công trực diện. Điều này nhắc nhở giới quan sát về sự kiện loạt tên lửa Scud của Iraq phóng vào Tel Aviv năm 1991 với một thông điệp nguy hiểm.
Iran đã phá bỏ tiền lệ và tuyên bố một khi Israel đụng tới lợi ích và công dân Iran ở bất cứ nơi nào, Iran sẽ tấn công trả đũa Israel, một sự kết thúc cho cái gọi là "sự nhẫn nại chiến lược" mà Tehran theo đuổi. Trong khi đó, phía Israel khẳng định sẽ "xây dựng một liên minh khu vực và đưa ra cái giá Iran phải trả theo cách thức và thời gian phù hợp".
Có thể thấy thái độ thù địch của hai bên đã gia tăng bất chấp biểu hiện muốn kiểm soát xung đột.
Giới quan sát cho rằng trong thời gian tới Israel sẽ xem cuộc tấn công vừa qua như cái cớ tiếp tục chiến dịch Dải Gaza, trong khi Iran đẩy mạnh các chiến dịch tấn công và quấy rối tàu bè trên Biển Đỏ thông qua lực lượng ủy nhiệm. Những diễn biến này dù được kiểm soát tới mức nào cũng sẽ tiếp tục khiến an ninh khu vực bất ổn, gián đoạn thương mại và ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Đó là lý do các nước trên thế giới đa số chú trọng thông điệp kêu gọi kiềm chế và tiến tới giải pháp sau cùng cho Dải Gaza cũng như Trung Đông.
Giải pháp cho các cuộc xung đột Gaza cũng như mâu thuẫn lịch sử không hề dễ dàng, đặc biệt trong bức tranh địa chính trị phức tạp hiện nay. Chưa ai rõ họ sẽ mất gì, được gì khi Trung Đông yên bình, nhưng cái giá của một Trung Đông bất ổn là điều dễ thấy.
Và nếu Trung Đông là vấn đề chung, đây có thể là lúc cần thay đổi cách tiếp cận bằng việc nhìn Trung Đông như một Trung Đông, nỗ lực chung để mang lại hòa bình cho Trung Đông thay vì "ủy nhiệm" lợi ích cho một khu vực đã quá nhiều lực lượng ủy nhiệm.