Video: Không khí sản xuất hương ở xã Tùng Lộc, Can Lộc
Tại cơ sở sản xuất Nhang sạch An An (thôn Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc), những ngày này, công nhân của xưởng đang được huy động tối đa, tranh thủ làm thêm cả buổi tối để kịp xuất đơn ra thị trường.
Công nhân sản xuất tại cơ sở Nhang sạch An An (xã Tùng Lộc, Can Lộc).
Anh Nguyễn Đức Phượng - Quản lý cơ sở Nhang sạch An An cho biết: "Từ hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày chúng tôi sản xuất được khoảng 500 kg hương thành phẩm. Theo đơn hàng đã nhận, dịp tết Nguyên đán này cơ sở xuất ra thị trường khoảng 45 tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng hàng hóa tăng từ 25-30%. Để kịp thời hoàn thành các đơn hàng, hiện chúng tôi huy động 20 công nhân thường xuyên tăng ca để gia tăng sản lượng".
Để kịp các đơn hàng phục vụ tết, cơ sở Nhang sạch An An huy động 20 công nhân tăng ca sản xuất, đóng gói.
Cơ sở Nhang sạch An An được thành lập cách đây 4 năm, chuyên về các sản phẩm hương thảo mộc. Hiện, đơn vị có nhiều dòng sản phẩm như: hương bài, hương quế, hương bách thảo, trầm, hồng diệp...
Nhờ chất lượng và công tác quảng bá thương hiệu tốt, Nhang sạch An An được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trong dịp này, cơ sở nhận được nhiều đơn hàng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác.
Anh Phan Văn Dần ở làng nghề thôn Báo Ân (Thạch Mỹ, Lộc Hà) chuẩn bị hàng thành phẩm trả đơn cho khách.
Thời điểm này, các hộ chuyên sản xuất hương ở làng nghề thôn Báo Ân (Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) cũng đang hối hả bước vào kỳ cao điểm sản xuất phục vụ thị trường tết Nguyên đán.
Anh Phan Văn Dần - Chủ hộ sản xuất hương ở làng nghề thôn Báo Ân cho biết: "So với năm ngoái thì năm nay đơn hàng từ các đại lý của chúng tôi tăng lên khoảng 20%. Nhu cầu tăng cao, chúng tôi đang đẩy mạnh sản xuất, gia tăng sản lượng. Trung bình mỗi ngày chúng tôi sản xuất được 150 kg hương thành phẩm, dự kiến xuất ra thị trường khoảng 5-7 tấn hương trong dịp này, doanh thu khoảng 200 - 300 triệu đồng".
Được biết, làng nghề thôn Báo Ân hiện có khoảng hơn 60 hộ làm hương, trong đó 20 hộ chuyên sản xuất với sản lượng lớn. Sản phẩm hương của làng nghề là hương thẻ. Nếu trước đây, việc sản xuất thủ công cho năng suất thấp thì nay các công đoạn được thực hiện bằng máy nên sản lượng tăng cao, mẫu mã đẹp được khách hàng ưa chuộng. Hiện, thị trường tiêu thụ hương của làng nghề thôn Báo Ân không chỉ dừng lại trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình...
Hương trầm truyền thống là sản phẩm được nhiều người dân Hà Tĩnh ưa dùng vào dịp tết Nguyên đán. Ảnh: chụp tại chợ Huyện (Bình An, Lộc Hà) dịp tết Nguyên đán 2023.
Cùng với hương thẻ, hương trầm truyền thống quấn bằng giấy là sản phẩm được nhiều gia đình yêu thích sử dụng vào tết Nguyên đán. Dịp này, cơ sở hương Trạng Nguyên tại thôn Vĩnh Cát (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà) cũng đã chuẩn bị sẵn sàng xuất ra thị trường hàng chục nghìn cây hương trầm cỡ đại và cỡ trung phục vụ người dân.
Chị Phan Thị Phương - chủ cơ sở hương Trạng Nguyên cho biết: "Dịp tết Nguyên đán năm nay, sản phẩm hương trầm của chúng tôi nhận được lượng đơn tăng gấp đôi. Đến thời điểm này, vợ chồng tôi đã hoàn thành 60% đơn hàng với khoảng 20.000 cây hương trầm. Hương trầm quấn thủ công nên công việc vất vả hơn. Chúng tôi đang cố gắng để đến đầu tháng 12 âm lịch hoàn thành số lượng sản phẩm để giao cho các cửa hàng phục vụ bà con dịp tết".
Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với nhiều lĩnh vực khác, các hộ dân, làng nghề, cơ sở sản xuất hương ở Hà Tĩnh đang chạy đua sản xuất để mang về một cái tết no đủ, ấm áp.