Bệnh viện Phục hồi chức năng đang là địa chỉ điều trị hàng đầu về rối loạn phổ tự kỷ ở Hà Tĩnh.
Là cơ sở hàng đầu ở Hà Tĩnh điều trị cho bệnh nhân rối loạn phổ tự kỷ, hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) Hà Tĩnh đang hỗ trợ, điều trị cho 50 em được chẩn đoán bị mắc hội chứng này. Trong đó, phần lớn các em đang học song song 2 chương trình, vừa học ở trường vừa theo học can thiệp ở khu điều trị của bệnh viện để được các kỹ thuật viên hỗ trợ, hướng dẫn nhằm giúp các em có thể hòa nhập và theo kịp các bạn cùng trang lứa.
Chị Đoàn Thị Ái - kỹ thuật viên Khu điều trị, PHCN nhi khoa (Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh) cho biết: “Việc can thiệp và điều trị chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là rất quan trọng và cần can thiệp sớm, kiên trì giáo dục tâm lý lẫn giáo dục hành vi. Cùng với nỗ lực của các y bác sỹ, gia đình đóng vai trò then chốt trong việc cùng con vượt qua chứng tự kỷ. Sự kết hợp giữa các nhà chuyên môn, gia đình, cùng các phương pháp trị liệu chuyên biệt sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng”.
Chị L.T.H. (huyện Lộc Hà) có con trai gần 4 tuổi được chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ, chia sẻ: “Khi 2 tuổi, cháu có dấu hiệu chậm nói, không thích chơi với ai, ai gọi cũng không thưa, khi người khác nói chuyện cháu không tập trung và không có sự giao tiếp bằng mắt. Khi thấy con có dấu hiệu lạ, tôi đưa con đi khám và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Kể từ ngày đó, hằng ngày, nắng cũng như mưa, hai mẹ con lại cùng nhau trên chiếc xe máy bước vào hành trình điều trị tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh”.
Điều trị rối loạn phổ tử kỷ cần có sự kiên trì.
Trong hành trình “chiến đấu” với chứng rối loạn phổ tự kỷ của con, đã không biết bao lần chị H. khóc và nhiều khi bất lực… Tuy nhiên, sau 11 tháng điều trị can thiệp tại Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh, cháu đã có những tiến triển nhất định, từ việc chưa biết phát âm thì nay đã có thể nói được từ đơn và hiểu ý của người lớn; cháu cũng bắt đầu có sự giao tiếp bằng mắt tốt hơn… “Để được như vậy, tôi đã cắn răng chịu đựng, tuyệt đối không nổi nóng, thay vào đó yêu thương con nhiều hơn, kiên định đồng hành cùng con để từng bước thay đổi. Không có cuộc hành trình nào mà không có những gian nan, vất vả. Điều quan trọng chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua và không cho phép mình gục ngã hay bỏ cuộc” - chị H. bộc bạch.
Câu chuyện của chị H. cũng là thông điệp mà ngành y tế muốn gửi gắm đến các bậc phụ huynh. Nếu một ngày phát hiện con trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, các bậc phụ huynh đừng tuyệt vọng, bế tắc mà hãy cùng con tập luyện bằng cả trái tim ấm áp, cùng con vượt qua khó khăn.
Sự đồng hành của gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong hành trình điều trị rối loạn phổ tự kỷ.
Bác sỹ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện PHCN Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Phổ tự kỷ hiện không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người trong xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về rối loạn này và không phải phụ huynh nào cũng có thể chấp nhận vấn đề đang xảy ra đối với con mình để sẵn sàng can thiệp cho trẻ.
Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ chủ yếu là hạn chế khả năng tiếp xúc, giao tiếp. Việc điều trị, can thiệp đối với các trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì, đồng hành hỗ trợ của chính các phụ huynh khi trẻ ở nhà và của nhà trường khi trẻ đến lớp để giúp các em từng bước cải thiện được các triệu chứng, dần hòa nhập với cộng đồng. Điều quan trọng là khi con nhỏ có những dấu hiệu chậm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, phụ huynh không nên chủ quan mà cần cho trẻ đi khám, phát hiện sớm các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ để trẻ được can thiệp kịp thời”.