Du học tự túc hay "mượn cớ" đi lao động nước ngoài?

(Baohatinh.vn) - Du học tự túc đang là lựa chọn của nhiều học sinh và phụ huynh ở Hà Tĩnh với mong muốn được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, được trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ...

Thế nhưng, trong nhận thức của nhiều phụ huynh học sinh dường như đang còn thiếu đi một sự rạch ròi giữa một bên là du học với một bên là mượn cớ du học để đi làm.

Để có chi phí trang trải cuộc sống, nhiều du học sinh đã phải làm thêm từ 19-24h hàng ngày.

Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy: Từ năm 2013 đến nay, Hà Tĩnh có cả nghìn du học sinh tự túc, chủ yếu đang theo học tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan... Phần lớn các em ra nước ngoài từ sự môi giới của 20 công ty tư vấn du học đăng ký kinh doanh ở Hà Tĩnh, một số thông qua các công ty ở Nghệ An, Hà Nội… Đáng chú ý là số lượng du học sinh lựa chọn con đường du học ngày càng tăng. Nếu như năm 2014, toàn tỉnh mới chỉ có 224 em thì đến năm 2016 đã lên tới 394 em. Số lượng nộp hồ sơ đăng ký du học trong quý I/2017 là 541 em.

Theo quy định của chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản thì ngoài thời gian đi học, du học sinh được phép làm thêm mỗi tuần không quá 20 giờ (không kể thứ bảy, chủ nhật). Với tiền công lao động khá cao, nếu tận dụng hết thời gian, du học sinh cũng có thể kiếm được thu nhập mỗi tháng từ 25-30 triệu đồng. Số tiền này đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập trên đất khách.

Vấn đề đặt ra hiện nay trong quá trình tư vấn du học đó là phải làm sáng tỏ nhận thức của phụ huynh học sinh về thực chất con đường du học. Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động Việc làm - Sở LĐ-TB&XH cảnh báo: “Hiện đang tồn tại những cách hiểu méo mó về du học tự túc khi cho rằng, việc ra nước ngoài học không quá quan trọng mà cốt yếu là để đi làm kiếm tiền. Nói cách khác, du học sinh chủ yếu mượn con đường du học để xin visa nhập cảnh vào nước bạn nhằm mục đích làm thêm. Điều này dẫn tới 2 hệ quả: Hoặc là du học sinh bỏ trốn ra ngoài, hoặc là du học sinh làm thêm quá sức. Năm 2015, Hà Tĩnh có 12 du học sinh bỏ trốn tại Hàn Quốc, 2 du học sinh bỏ trốn tại Nhật Bản và bị liệt vào nhóm 3 tỉnh ở Việt Nam có số lượng du học sinh bỏ trốn nhiều nhất”.

Phục vụ nhà hàng, một trong những công việc làm thêm phổ biến của du học sinh Hà Tĩnh tại Hàn Quốc

Bà Lê Thị Ngọc Bích - Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Đào tạo Hà Tĩnh cho biết: “Điều mà doanh nghiệp canh cánh nhất khi gửi du học sinh ra nước ngoài vẫn là việc du học sinh có chấp hành tốt pháp luật nước sở tại hay không. Chính vì vậy, ngay từ đầu trong công tác tư vấn, công ty luôn đặc biệt nhấn mạnh với phụ huynh học sinh: Phải dành ưu tiên số 1 cho việc học. Chỉ có học lấy kiến thức mới là sự lựa chọn căn cơ nhất của du học sinh. Tuy nhiên, quá trình ra nước ngoài, vì áp lực cuộc sống và cả vì sự chi phối bởi tình trạng lao động Hà Tĩnh bỏ trốn quá lớn đã ảnh hưởng tới tâm lý du học sinh. Thỉnh thoảng công ty lại phải cử đoàn công tác sang Hàn Quốc, Nhật Bản thăm và động viên, kịp thời nắm bắt diễn biến tâm lý để phối hợp với đối tác hỗ trợ giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho du học sinh”.

Theo Tiến sỹ Minhee Lee - Giám đốc Trung tâm quốc tế - Đại học Joongbu - Hàn Quốc, nếu du học sinh cố tình bỏ trốn thì không chỉ làm phương hại đến tương lai, sự nghiệp chính bản thân mình mà còn thu hẹp đáng kể cơ hội du học của những người khác và làm xấu hình ảnh địa phương, đất nước. Trên thực tế, đã có những trường đại học ở Hàn Quốc ra thông báo không tuyển dụng du học sinh đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Một buổi gặp mặt du học sinh tại Seoul - Hàn Quốc với đoàn công tác ngành Giáo dục Hà Tĩnh

Một thực tế cũng phải cảnh báo khác đó là tình trạng các doanh nghiệp tư vấn thường chạy theo số lượng nên không đưa ra những thông tin rõ ràng về chi phí cho quá trình ăn học. Hiện nay, để sang Hàn Quốc, Nhật Bản du học, mỗi du học sinh phải chịu khoản tiền từ 180-200 triệu đồng. Số tiền này được dùng cho việc học và thi ngoại ngữ, chi phí làm thủ tục xuất cảnh, trang trải học phí và sinh hoạt ban đầu… Và không ít phụ huynh nghĩ rằng, đấy là tất cả những gì gia đình sẽ phải bỏ ra trong suốt 4-5 năm con em của mình du học. Trên thực tế thì 2 năm đầu học tiếng không đòi hỏi quá nhiều về học phí, nhưng đến giai đoạn học chuyên ngành, mức học phí sẽ tăng vọt. Đây là một gánh nặng đòi hỏi gia đình phải hỗ trợ nhiều hơn hoặc học sinh phải làm việc cật lực hơn.

Ông Trần Thiên Lý - Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hà Tĩnh cho rằng: “Để tránh những sự đổ vỡ không đáng có, ngay từ đầu, các công ty tư vấn phải thực sự thẳng thắn, minh bạch hóa thông tin để phụ huynh học sinh lường trước những khó khăn. Không có con đường học tập nào chỉ toàn màu hồng, kể cả con đường du học”.

Đáng tiếc, những sự khẳng định trên đây không phải bao giờ cũng được các công ty tư vấn du học nghiêm túc nhìn nhận và đã có rất nhiều chiếc “bánh vẽ” được đưa ra trong quá trình tư vấn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói