Ông Nguyễn Công Sơn (thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ) thu hoạch mật ong.
Hơn tuần nay là thời điểm bận rộn nhất của vợ chồng ông Nguyễn Công Sơn (thôn Mỹ Đông, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) bởi đàn ong của gia đình đang bước vào kỳ cho mật.
Ông Nguyễn Công Sơn cho biết: “Vụ ong năm nay được mùa nhờ thời tiết thuận lợi, nhiều loại cây rừng phát triển tốt cho hoa nhiều, nguồn thức ăn của ong quanh khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ hết sức dồi dào nên cho chất lượng mật tốt và năng suất cao. Thời điểm này, tôi đã thu hoạch được 6 lít mật ong nguyên chất. Trước đó 20 ngày, tôi cũng thực hiện nhân ong giống, bán được 20 đàn và thu về 20 triệu đồng”.
Ông Sơn sử dụng cách lấy mật thủ công là dùng muỗng cạo.
Với 36 đàn ong, khoảng 10 ngày, gia đình ông Sơn lại thu hoạch một vụ mật. Ông Sơn không dùng máy quay ly tâm lấy mật mà dùng muỗng cạo và lọc mật bằng vải phên.
Với cách lấy mật này, ông Sơn chỉ cạo mật ở những chỗ đã đóng nắp, nghĩa là mật đã chín và nguyên chất. Còn những chỗ chưa đóng nắp thì tỷ lệ nước lã trong đó còn nhiều, chất lượng không tốt nên ông loại bỏ.
Những giọt mật ong Kẻ Gỗ nguyên chất sóng sánh.
“Nếu quay bằng máy thì mỗi cầu ong sẽ cho sản lượng 1 lít, còn lấy thủ công thì chỉ được 0,5 lít. Tuy nhiên, mật ong lấy thủ công có chất lượng ngang với mật ong rừng nên được giá. Riêng mật ong của gia đình tôi lúc nào cũng bán với giá trên 500.000 đồng/lít” - ông Nguyễn Công Sơn cho hay.
Ông Trần Quang Ngọ (thôn Mỹ Phú, xã Cẩm Mỹ) hiện có gần 100 đàn ong.
Cũng đang vào vụ thu hoạch mật ong, ngày nào, ông Trần Quang Ngọ (thôn Mỹ Phú, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) cũng cặm cụi ngoài vườn để chăm sóc cho gần 100 đàn ong của gia đình.
Ông Trần Quang Ngọ cho biết: “Vườn nhà không đủ rộng nên tôi gửi ong ở vườn của anh em. Nơi gửi xa nhất cách đây 2 km, gần kề bên hồ Kẻ Gỗ. Thời điểm vào vụ, khoảng 10 ngày tôi lại đi lấy mật một lần. Ra tết đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 50 lít mật. Với giá bán 200.000 đồng/lít, tôi thu về hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng nhân giống được hơn 30 đàn để bán cho người dân quanh vùng và thu về gần 30 triệu đồng từ việc bán đàn ong giống”.
Ông Ngọ đang làm cầu ong để nhân đàn.
Không chỉ nhân đàn để bán con giống, nhận thấy hiệu quả từ nghề nuôi ong, ông Sơn, ông Ngọ và nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Cẩm Mỹ đều đang phấn khởi tăng đàn mở rộng quy mô.
Được biết, mô hình nuôi ong lấy mật của xã Cẩm Mỹ được triển khai từ năm 2019 do Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ. Thời điểm đó, toàn xã có 50 hộ dân được hỗ trợ 500 đàn ong giống và một số trang thiết bị như thùng ly tâm quay mật, dao cắt mật, mũ lưới, can nhựa... để nuôi ong.
Hiện xã Cẩm Mỹ đã ban hành chính sách hỗ trợ 400.000 đồng/đàn với 200 đàn.
Sau một thời gian triển khai, người dân xã Cẩm Mỹ đã nhân rộng mô hình, thành lập Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật để hỗ trợ, giúp nhau phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, trong thời điểm lũ lụt cuối tháng 10 năm ngoái, toàn xã bị lũ cuốn trôi hơn 360 đàn ong.
Sau lũ, người dân đã kịp thời gây dựng lại đàn ong. Đến nay, xã Cẩm Mỹ có 42 hộ đã gây dựng lại được mô hình nuôi ong lấy mật với hơn 265 đàn ong.
Chị Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Mỹ cho biết: “Nghề nuôi ong lấy mật phù hợp với khu vực Cẩm Mỹ bởi nơi đây có Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với rừng rậm, thức ăn của ong phong phú. Nhận thấy đây là mô hình rất thích hợp để giúp người dân phát triển kinh tế nên sau lũ, chúng tôi khuyến khích bà con xây dựng lại mô hình. Địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ 400.000 đồng/đàn với tổng 200 đàn”.
Mật ong Kẻ Gỗ đang được huyện xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2021.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ người dân nhân đàn, năm 2021, chính quyền địa phương cũng triển khai hồ sơ thủ tục để xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao đối với mật ong Kẻ Gỗ. Việc đạt thương hiệu OCOP sẽ góp phần đưa sản phẩm mật ong của người dân xã Cẩm Mỹ có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.