Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Dự án hồ sinh học là công trình có vai trò quan trọng không chỉ giúp đánh giá, cảnh báo sớm sự cố, lưu giữ và xử lý nước khi có sự cố xảy ra trước khi thải ra biển mà còn góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái
Sau sự cố môi trường, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, FHS đã khắc phục 51/53 lỗi vi phạm về BVMT và đang khẩn trương khắc phục 2 lỗi còn lại.
Cụ thể về nước thải, FHS có 3 trạm xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, gồm: trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp, sinh hóa tập trung các loại nước thải để xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải, sau đó bơm đến trạm quan trắc online, quan trắc 12 thông số kết nối truyền số liệu đến Sở TN&MT trước khi xả ra ven biển.
Trường hợp phát hiện nước thải vượt chuẩn sẽ cho phép tự động ngưng xả thải. Theo kết quả giám sát nước thải liên tục do Viện Công nghệ Môi trường thực hiện cho thấy, từ 27/7 đến nay, nước thải trước khi xả thải ra biển đều đạt quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra, FHS cũng đã hoàn thành một số hạng mục công trình BVMT đối với nước thải khác như: trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, xây lắp bồn lọc nước, hồ nuôi cá tạm thời, trạm xử lý nước mưa...
Đối với khí thải, FHS đã hoàn thành việc xây lắp các hệ thống xử lý khái thải phục vụ cho dự án đúng theo tiêu chuẩn của nhà máy. Hiện có 8 thiết bị quan trắc khí thải liên tục, tự động kết nối truyền dữ liệu về Sở TN&MT. Theo kết quả đo đạc, phân tích mẫu khí thải do đoàn kiểm tra trưng cầu giám định và Viện Công nghệ Môi trường thực hiện đều đạt quy chuẩn cho phép.
Về quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, hiện nay, FHS đã bố trí tổng cộng 16 khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; phân loại triệt để và thu gom chất thải nguy hại phát sinh đưa vào kho lưu giữ. Chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được FHS chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý...
FHS cũng tiến hành xây dựng 2 hệ thống dập cốc khô, dự kiến đến 2019 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Trong thời gian đang phải sử dụng hệ thống dập cốc ướt, FHS đã xây dựng bổ sung trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc nhằm đảm bảo nước dập cốc sau xử lý đạt yêu cầu mới tái sử dụng.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Việt Anh - Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường đã trình bày về dự án cải thiện hồ sinh học.
Đây là dự án có vai trò quan trọng, nhằm nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả xử lý ngay cả khi xảy ra sự cố tại các trạm xử lý nước thải, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm bởi nước thải. Theo thiết kế, hệ thống hồ sinh học bao gồm: hồ sự cố, hồ sau xử lý, bãi lọc trồng cây, hồ chỉ thị sinh học (nuôi cá)... với tổng diện tích khoảng 10ha, dung tích nước 126.181 m3. Hiện, đã hoàn thành khoảng 10% tiến độ dự án, dự kiến đến tháng 3/2017, một số hạng mục đầu tiên của hồ sinh sẽ đi vào hoạt động.
Sau phần trình bày một nhà khoa học của Viện Công nghệ Môi trường, các sở, ngành có một số góp ý cho dự để phù hợp với thực tế, nâng cao hiệu quả hạng mục.
PGS. TS Cao Thế Hà - Viên Công nghệ Môi trường đánh giá cao dự án hồ sinh học trong việc phòng ngừa sự cố môi trưởng, đảm bảo cảnh quan
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng đánh giá công tác khắc phục, cải thiện các công trình BVMT của FHS đang được triển khai đảm bảo tiến độ; đề nghị FHS tiếp tục tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại để đáp ứng được các quy chuẩn về bảo vệ môi trường của Bộ TN&MT, trong đó chú trọng tập trung vào hệ thống kiểm soát và dự án hồ sinh học.
Về công tác của đoàn giám sát, ngoài trách nhiệm giám sát còn có chức năng tư vấn nên vai trò của đoàn giám sát là rất quan trọng. Vì vậy, trong thời gian tới cần xây dựng được một kế hoạch phối hợp rõ, thường xuyên giữa các thành viên; trong quá trình giám sát, mong đoàn giám sát của bộ có hỗ trợ, đào tạo cho đội ngũ địa phương các kỹ năng để nâng cao hiệu quả; sớm kiến nghị với Bộ thống nhất trong việc đánh giá biến động các chỉ số tại trạm quan trắc online để ngành tài nguyên của địa phương không lúng túng, bị động.
Hà Tĩnh đề nghị Formosa nghiên cứu phương án thuê đơn vị độc lập vận hành hệ thống xả thải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm công khai, minh bạch việc xử lý xả thải.
Đối với, dự án hồ sinh học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là công trình có vai trò quan trọng không chỉ giúp đánh giá, cảnh báo sớm sự cố, lưu giữ và xử lý nước khi có sự cố xảy ra trước khi thải ra biển mà còn góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái, là điểm nhấn cho cộng đồng thấy được những nỗ lực trong cải thiện môi trường của doanh nghiệp. Đề nghị, ngoài góp ý tại chỗ, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu để có góp ý cụ thể bằng văn bản gửi về cho đơn vị tư vấn.
Đơn vị tư vấn cần giải trình rõ với những góp ý tại hội trường xem vấn đề nào tiếp thu được, vấn đề nào không, lý do vì sao để đoàn giám sát làm văn bản báo cáo với UBND tỉnh.