Gia cố bè nuôi, đưa cá "vượt sông" tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - Gia cố lồng bè, đưa cá “vượt sông” tránh lũ, bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi, người nuôi cá lồng bè TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang chủ động bảo vệ, chăm sóc đàn cá khi mưa bão cận kề.

Chủ động né tránh mưa bão

Gia đình anh Nguyễn Quang Sâm (thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) hiện có hơn 3 tấn cá hồng mỹ, cá chẽm, cá mú nuôi bằng bè trên sông Vịnh. Theo kinh nghiệm của anh Sâm, vào cuối tháng 7 âm lịch trở đi là đợt cao điểm mưa, bão, nước từ thượng nguồn về làm cho cá thường dễ chết do sốc nước ngọt. Thế nên, nếu cứ để cá nuôi ở lồng bè nguy cơ cá chết trắng là rất cao.

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Anh Sâm (bên phải) trao đổi về tình trạng đàn cá nuôi anh vừa chuyển từ bè nuôi ngoài sông vào ao nuôi.

Anh Sâm cho hay: “Khoảng 6-7 năm nay, trước mùa cao điểm mưa bão, tôi để trống vài ao nuôi tôm lớn của gia đình, rồi thuê người vận chuyển cá từ bè vào ao để tránh thiên tai. Trước nguy cơ ảnh hưởng của bảo số 5 đã cận kề, chúng tôi vừa đưa số cá trên lồng bè vào ao an toàn, cá phát triển bình thường".

Với kinh nghiệm hơn 5 năm nuôi cá lồng bè trên vùng đập dâng Sông Trí, anh Phạm Vũ Long (thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa) luôn chủ động các phương án để bảo vệ 15 lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng của gia đình: “Để đảm bảo lồng cá an toàn trong mùa mưa lũ, tôi đã mua thêm vật liệu hàn khung sắt thép, thay lưới mới, vệ sinh lồng cá 2 ngày/lần; thường xuyên kiểm tra độ ô nhiễm mực nước để xử lý kịp thời. Thời điểm này, gia đình không xuống giống lứa cá mới mà chủ động dự trữ thức ăn cho đàn cá nuôi”, anh Long nói.

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Gia đình anh Long hiện có 15 lồng nuôi cá diêu hồng và cá lăng.

Tại xã Kỳ Lợi, hiện có 5 hộ nuôi lồng cá mú, cá bớp trên biển. Hiện nay, các hộ nuôi đã tiến hành gia cố toàn bộ hệ thống bè nuôi trước khi bão số 5 (CONSON) đổ bộ.

Nhờ chủ động nhiều phương án trước mùa mưa bão, lồng nuôi cá mú, cá bớp ngoài biển của gia đình anh Nguyễn Quang Huy (thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi) mấy năm nay luôn an toàn. Anh Huy cho hay: “Ngay khi có thông tin bão số 5 (CONSON) sắp đổ bộ, có khả năng ảnh hưởng đến Hà Tĩnh, tôi đã tiến hành mua thêm dây neo, lưới. Mỗi bên thành lồng tôi neo từ 8 lên 12 dây neo, gia cố thành 2 lưới, tránh trường hợp tác động mạnh từ sóng lớn”.

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Các hộ nuôi lồng bè trên biển tại xã Kỳ Lợi chủ động gia cố lồng nuôi an toàn trước mùa mưa bão.

Thị xã Kỳ Anh hiện có 16 hộ nuôi cá lồng bè trên sông và trên biển thuộc 3 xã: Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi. Hiện nay, tất cả các hộ nuôi đã có phương án neo lồng hoặc đưa cá vào ao nuôi để ứng phó với bão số 5.

Sẵn sàng phương án chăm sóc

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Lồng nuôi cá bớp tại xã Kỳ Lợi.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và cây trồng vật nuôi TX Kỳ Anh, mưa lớn kéo dài cộng với lũ mạnh sẽ khiến cho môi trường nước ở các lưu vực sông biến động mạnh. Người nuôi cá trong lồng bè đối diện với nhiều thách thức như nhiệt độ nước giảm đột ngột trong thời gian dài. Lượng oxy hòa tan trong nước, độ mặn, độ pH, độ kiềm cũng giảm.

Ngoài ra, lũ cuốn theo nhiều rác thải, đất, đá khiến nguồn nước bị tác động xấu. Nguy cơ lớn là cá nuôi khó thích ứng, biếng ăn, suy giảm hệ miễn dịch, bị nhiễm bệnh đột ngột và chết. Chính vì vậy, người nuôi cá lồng bè ngoài việc giằng cố lồng nuôi, kéo bè nuôi về khu vực kín gió cũng cần chủ động các phương án chăm sóc cho đàn cá nuôi trong trường hợp bất lợi do thiên tai.

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Anh Tuấn kiểm tra, gia cố lại khu vực lồng nuôi cá lăng, cá diêu hồng trước bão số 5.

Chủ động đưa cá từ bè nuôi trên sông Vịnh vào ao nuôi, anh Nguyễn Thế Bảo (thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà) chia sẻ cách chăm sóc đàn cá khi vào mùa mưa lũ, anh Bảo nói: “Cá đưa vào ao nuôi sẽ có sự thay đổi về môi trường sống, cộng với tác động của lượng mưa lớn, vì vậy, cần theo dõi sát sao, thường xuyên cung cấp đủ oxy và bổ sung thức ăn có chứa vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá…”.

Vẫn còn gần 25 tấn cá diêu hồng, cá lăng chưa đủ tuổi xuất bán, anh Phạm Khánh Tuấn (thôn Hoa Trung, xã Kỳ Hoa) đang sẵn sàng các phương án chăm sóc khi lồng nuôi gặp mưa bão. Anh cho hay: “Khi bão đổ bộ, không thể ra bè cho cá ăn nên trước đó phải cho cá ăn no; sử dụng các phương pháp truyền thống pha nước muối, nước tỏi cho vào lồng cá để tăng sức đề kháng cho cá; treo các túi vôi ở quanh lồng (3-4 túi/lồng), khi nào hết mưa thì cho cá ăn bình thường; chuẩn bị máy phát điện, máy sục để tạo oxy trong trường hợp cần thiết…".

Gia cố bè nuôi, đưa cá “vượt sông” tránh mưa bão ở TX Kỳ Anh

Các hộ nuôi cá lồng bè ở thị xã Kỳ Anh đều sẵn sàng các phương án thích ứng với mùa mưa bão. (Trong ảnh: Hộ nuôi cá lồng bè ở xã Kỳ Ninh đã giằng néo và kéo bè vào khu vực an toàn).

Để đảm bảo an toàn cho đàn cá nuôi trước, trong và sau mùa mưa bão, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn thị xã Kỳ Anh đã rà soát lại toàn bộ diện tích nuôi trồng; cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do mưa lớn.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, ngành chuyên môn đã khuyến cáo người nuôi thu hoạch nhanh đối với số cá đạt trọng lượng; thường xuyên quan sát các dấu hiệu thiên nhiên, khi thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm, cần cung cấp ô xy bằng máy sục khí; thường xuyên vệ sinh lồng để luôn bảo đảm thông thoáng, cho cá ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cá tăng cường sức đề kháng.

Vào thời gian có mưa bão, người nuôi cần giảm lượng thức ăn để tránh làm ô nhiễm môi trường nước dẫn đến thiếu ô xy, cá kém phát triển, thậm chí bị chết...

Bà Lê Thị Thanh Hường - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và cây trồng vật nuôi thị xã Kỳ Anh

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.